"17 năm trước tôi là đại biểu HĐND thành phố phụ trách khu vực này, buổi tiếp xúc cử tri hôm nay coi như được trở về nhà cũ. Do chưa nắm rõ tình hình của huyện nên tôi rất hồi hộp", Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nói tại buổi làm việc với người dân huyện Bình Chánh trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, trưa 14/5.
Về Khu đô thị Sing - Việt (xã Lê Minh Xuân) mà rất nhiều cử tri phản ánh, ông Nhân đánh giá đây là một dự án lớn, thời gian xây dựng kéo dài gây nhiều bức xúc cho người dân. Vì vậy, ông đề nghị phân công một Phó chủ tịch Uỷ ban theo dõi, kiểm tra dự án và báo cáo cụ thể cho Thường trực Thành ủy.
"Nhân có anh Liêm (Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố) ở đây, anh nhận theo dõi dự án này luôn cho tôi nhé", ông Nhân dứt lời, cả hội trường vỗ tay.
Chăm chú lắng nghe tất cả ý kiến của người dân, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng nhiều lần rời vị trí, xuống hội trường động viên, chia sẻ với cử tri.
Nhiều cử tri ở xã Lê Minh Xuân bày tỏ bức xúc về dự án khu đô thị Sing - Việt. Ảnh: Thiên Ngôn. |
Người dân gay gắt vì giá bồi thường thấp
Trước đó, ban tổ chức buổi tiếp xúc cử tri cho biết, có đến 13 người đăng ký phát biểu liên quan dự án này, để tiết kiệm thời gian chỉ để một số người đại diện trình bày. Lập tức, nhiều cử tri đứng lên phản đối, yêu cầu được phản ánh.
"Tôi đã 61 tuổi, biết còn sống được bao lâu nữa, phải để chúng tôi nói. Hai mươi mấy năm rồi, nay mới có Bí thư Thành ủy xuống nghe, nên nhất định chúng tôi phải nói", ông Tô Phước Cường lớn tiếng.
Theo ông Cường, dự án Khu đô thị Sing - Việt kéo dài 21 năm, 6 lần được gia hạn. Một dự án được ưu ái, nhiều báo đài đã nói về những tiêu cực của dự án, bôi trơn hàng triệu USD. Do đó không thể để sự việc đi vào quên lãng mà phải khơi lại, phải cho thanh tra toàn bộ.
"Khi có giá đền bù thì họ không hiệp thương với chúng tôi, tự động áp giá. Họ mua cả cuộc sống, sự nghiệp của chúng tôi mà trả giá thấp hơn 15-20 lần thị trường. Nay các vị đó nói hỗ trợ thêm 80%, chúng tôi không đi xin mà bảo hỗ trợ", ông Cường gay gắt và đề nghị bãi bỏ giá bồi thường cũ, áp dụng giá thị trường, chủ dự án phải hiệp thương với người dân để có tiếng nói chung.
Cùng quan điểm, cử tri Huỳnh Văn Tiền (xã Lê Minh Xuân) phản ánh: "Thu hồi của nhà tôi hơn 3 ha đất mà bồi thường có hơn 5 tỷ đồng. Theo giá thị trường khu đất của tôi hiện đã chênh lệch biết bao lần. Ban bồi thường của huyện gửi vào tài khoản ngân hàng và gửi thông báo bắt tôi phải nhận tiền để giao đất nếu không sẽ cưỡng chế. Thử hỏi chính quyền huyện đang bảo vệ quyền lợi cho dân hay cho chủ đầu tư", ông Tiền nói.
Ông Nguyễn Thiện Chân xuống tận nơi chia sẻ và nói chuyện cùng với ông Lê Duy Đức ở xã Bình Hưng. Ảnh: Thiên Ngôn |
Tính toán lại quy mô các quận huyện, phường xã
Với các ý kiến liên quan vấn đề xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn quá khó khăn, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói "chắc chắn sẽ là chuyên đề nóng của thành phố" trong thời gian tới. Bởi cứ 5 năm thì dân số thành phố lại tăng thêm một triệu người, tập trung ở các khu vực vùng ven như huyện Bình Chánh.
Ông đề nghị các Sở: Xây dựng, Quy hoạch và Kiến trúc, Giao thông Vận tải cùng Thành ủy và UBND thành phố chuẩn bị cuộc trao đổi sâu về nội dung "người dân cất nhà riêng lẻ như thế nào" trong tháng 6, với sự tham dự của bí thư, chủ tịch 24 quận huyện và thành phố.
"Bình Chánh là huyện lớn, dân số còn nhiều hơn cả một số tỉnh nên công tác quản lý cũng gặp nhiều khó khăn. Thành phố sẽ tính lại quy mô của các phường xã, quận huyện, phải tìm ra quy mô hợp lý cho bộ máy hành chính", người đứng đầu Thành ủy TP HCM nói thêm.
Với một số cử tri phàn nàn về cuộc sống của người dân ở khu tái định cư Vĩnh Lộc B, ông Nhân cho biết trước đó cũng có nhiều kiến nghị về việc tái định cư ở Thủ Thiêm nên ông đề nghị bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (Chủ tịch HĐND TP HCM) lập đoàn giám sát toàn địa bàn, để kỳ họp sau có thể báo cáo nội dung này.
Dự án Khu đô thị Sing - Việt (xã Lê Minh Xuân) có diện tích gần 332 ha, được thành phố chấp thuận chủ trương quy hoạch từ năm 1997, bắt đầu đền bù từ năm 2009, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 300 triệu USD. Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Bình Chánh, dự án ảnh hưởng 699 hộ dân, giải tỏa trắng hơn 245 hộ... Trong đó, 254 hộ đã nhận bồi thường, còn 43 hộ kiến nghị và khiếu nại kéo dài nhiều năm nay. Sau khi các cấp trung ương, thành phố xem xét đã thống nhất hỗ trợ thêm 80% giá đất nông nghiệp nhưng người dân chưa đồng tình. Họ đề nghị được hỗ trợ 80% giá đất nông nghiệp theo giá đất nông nghiệp cùng loại để tính giá bồi thường, chứ không phải 80% theo khung giá đất của thành phố. |
Tác giả: Thiên Ngôn
Nguồn tin: Báo VnExpress