Ông Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương chia sẻ với VnExpress, Chủ tịch nước Trần Đại Quang được phát hiện bị bệnh từ tháng 7 năm 2017 và đi Nhật chữa trị. Từ đó đến khi qua đời, ông đã trải qua 6 lần điều trị tại Nhật Bản.
Các bác sĩ chẩn đoán, ông mắc loại bệnh virus hiếm và độc hại. "Các giáo sư, bác sĩ Nhật đã chữa trị và củng cố sức khoẻ cho Chủ tịch nước khoảng một năm nay. Tuy nhiên, bệnh này trên thế giới chưa có thuốc để điều trị khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể chặn lại và đẩy lùi một thời gian", ông Triệu nói.
Ông Nguyễn Quốc Triệu. Ảnh: QH. |
Theo ông Triệu, thời gian gần đây, bệnh của Chủ tịch nước nặng hơn. Đến chiều 20/9, ông phải nhập viện Trung ương Quân đội 108. Các bác sĩ Việt Nam cùng chuyên gia người Nhật đã cùng hội chẩn để đưa ra phác đồ điều trị.
Đến khoảng 15h cùng ngày, ông bán hôn mê. Hai tiếng sau, Chủ tịch nước hôn mê hoàn toàn đến lúc qua đời vào 10h05 sáng nay.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, 62 tuổi, quê ở Ninh Bình. Ông là giáo sư, tiến sĩ Luật học; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII.
Sau nhiều năm làm cán bộ Cục Bảo vệ chính trị, rồi Cục trưởng Tham mưu An ninh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, ông được bầu làm Thứ trưởng Công an rồi Bộ trưởng Công an.
Tháng 4/2016, ông được bầu làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên; Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định, trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới. Phó chủ tịch nước hiện nay là bà Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Tác giả: Viết Tuân
Nguồn tin: Báo VnExpress