Chiều 20/4, bên lề Đại hội cổ đông thường niên Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (mã CK: SSI), ông Nguyễn Duy Hưng chia sẻ về chuỗi phiên điều chỉnh mạnh của Vn-Index gần đây.
Các quan ngại xoay quanh cú lao dốc của chỉ số Vn-Index gồm: vì sao thị trường sụt giảm mạnh, thị giá cổ phiếu Việt Nam có phải đang ở mức quá cao nên phải giảm bớt; hay liệu có thể xảy ra kịch bản thủng đáy nào nữa hay không?
Trả lời những lo ngại này, ông Hưng nhận định: "Nhìn chung thị trường chứng khoán năm 2018 đã, đang và sẽ diễn biến theo chiều hướng tích cực. Đây là chu kỳ tốt nhất từ khi thị trường thành lập cho đến nay". Tuy nhiên, ông Hưng giải thích, đánh giá thị trường đang tốt không có nghĩa rằng chỉ số VN-Index phải luôn luôn tăng trưởng cao.
Chủ tịch SSI giải thích, thị trường chứng khoán có rất nhiều yếu tố để đánh giá tốt hay xấu. Tuy nhiên, có hai mục tiêu của thị trường cần lưu ý là thực hiện chức năng huy động vốn và cung cấp vốn cho nền kinh tế. Trên thực tế vài năm nay chức năng huy động vốn của thị trường chứng khoán đang rất tốt và nền kinh tế có thể dựa vào đó để phát triển.
Chủ tịch Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, Nguyễn Duy Hưng. Ảnh: Hà Thanh |
Theo chuyên gia này, VN-Index lên - xuống, cao - thấp, có tăng có giảm đan xen nhau, mới là dấu hiệu của sự bền vững. Bởi lẽ không có thị trường nào cứ tăng lên mãi hay cứ đi xuống mãi. Nếu ai cũng nghĩ ngày mai chứng khoán lên thì ai bán? Ngược lại, tất cả đều nghĩ ngày mai chứng khoán xuống thì ai mua vào?
Việc chỉ số VN-Index đã tăng trưởng vượt bậc kéo một vệt từ 900 điểm lên hơn 1.100 điểm, tức là đã tăng khoảng 200 điểm, thì tình trạng điều chỉnh hiện nay không có gì lạ. "Nên xem đó là sự điều chỉnh cần thiết, đem lại trạng thái cân bằng. Cần hiểu thêm, VN-Index lên hay xuống chỉ phản ánh được một phần nhỏ cục diện thị trường", ông nói.
Trước việc khối ngoại bán ròng các nhóm cổ phiếu lớn và có nhiều quan điểm cho rằng thị giá cổ phiếu Việt Nam không còn rẻ nữa, ông Hưng nhấn mạnh, không thể có một khái niệm chung đắt - rẻ cho một loại cổ phiếu nào. Trung bình trong một phiên giao dịch, vẫn luôn có cổ phiếu lớn tăng giá hoặc ngược lại và điều này cũng xảy ra tương tự với cổ phiếu thị giá thấp hơn. Bất cứ thời điểm nào đều có kẻ bán người mua và cơ hội luôn dành cho nhà đầu tư biết nắm bắt.
Chủ tịch SSI còn nhận định thêm, rủi ro thị trường chứng khoán Việt Nam là phụ thuộc vào tài chính thế giới. Chu kỳ tăng trưởng của thị trường thế giới là 10 năm. Với diễn biến hiện nay thị trường chứng khoán toàn cầu chịu tác động lớn từ nhất cử nhất động của nền kinh tế Mỹ (lãi suất, chỉ số việc làm…). Thêm nữa, hiện có quá nhiều sản phẩm phái sinh, tiền ảo, ICO (hình thức huy động vốn) kiểu mới liên tục tung ra. Đây chính là những dấu hiệu rủi ro tiềm ẩn cho thị trường.
Tác giả: Hà Thanh
Nguồn tin: Báo VnExpress