Thông tin trên được báo Trí Thức Trẻ đăng tải. Theo đó, thẩm phán Trương Việt Toàn thông báo, phiên toà xét xử vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG, hôm nay (19/12) sẽ tạm nghỉ làm việc để tạo điều kiện cho bị cáo Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông gặp gia đình bàn việc khắc phục hậu quả, trong đó có nộp lại số tiền 3 triệu USD đã nhận hối lộ từ Phạm Nhật Vũ.
Ông Nguyễn Bắc Son xin gặp vợ, con gái để khắc phục 3 triệu USD nhận hối lộ. Ảnh: Tiền Phong |
Trước đó, trong phiên xét xử chiều ngày 18/12, bị cáo Nguyễn Bắc Son đã đề đạt nguyện vọng muốn gặp gia đình để trao đổi với gia đình sớm hợp tác khắc phụ hậu quả. Ngoài ra, ông Son cũng muốn gặp luật sư để nói với người bào chữa không cần bào chữa tội danh "Nhận hối lộ". Ông Son xin giảm nhẹ tội cho thuộc cấp, báo Dân trí đưa tin.
Tiếp sau đó, bị cáo Son giải thích lại quá trình thực hiện dự án, vai trò của bị cáo và các bị cáo khác trong quá trình thực hiện dự án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG.
Được biết, trong phiên xét xử ngày 17/12, sau khi bất ngờ phủ nhận việc nhận hối lộ 3 triệu USD từ ông Phạm Nhật Vũ, bị cáo Nguyễn Bắc Son đã thừa nhận có nhận 3 triệu USD. Tuy nhiên, ông Son đã phủ nhận việc đưa tiền cho con gái và khai không nhớ đã tiêu 3 triệu USD vào việc gì.
Liên quan đến vấn đề pháp lý xung quanh việc ông Son và gia đình khắc phục 3 triệu USD nhận hối lộ, trả lời báo Người Lao động, luật sư Nguyễn Minh Trang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) viện dẫn điểm c, Khoản 3, Điều 40 Bộ Luật Hình sự 2015. Theo đó, nếu người lãnh án tử hình về tội "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ" chủ động nộp lại ít nhất 3/4 số tài sản tham ô, tài sản đã nhận hối lộ sau khi bị kết án thì hình phạt sẽ chuyển từ tử hình xuống chung thân.
Luật sư Trang nhấn mạnh, quy định này áp dụng sau khi bản án có hiệu lực pháp luật. "Trước hoặc trong quá trình xét xử, nếu bị can- bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả thì cơ quan pháp luật xem đó là tình tiết giảm nhẹ khi đề nghị mức hình phạt, quyết định mức hình phạt", luật sư phân tích.
Tác giả: Hoàng Yên
Nguồn tin: Báo Đời sống và Pháp luật