Tuy nhiên, sau khi tuyên bố ông Halili "chết là đáng", ông Duterte lại nói thêm rằng: "Tôi nghi ngờ ông ta dính líu tới ma túy. Tôi mới nghi thôi".
Tổng thống Philippines có những phát biểu trên tại một buổi lễ ở TP Maasin, tỉnh Southern Leyte hôm 2-7.
Thị trưởng Halili bị bắn gục khi đang dự lễ thượng cờ ở TP mình sáng 2-7. Ông qua đời trên đường đến bệnh viện.
Cảnh sát trưởng Tanauan, ông Renato Mercado, cho hay viên đạn được bắn đi từ khoảng cách 150 m. "Người bình thường không thể bắn được như vậy, phải là người bắn ngang hàng lính bắn tỉa đã qua đào tạo" – ông Mercado nhấn mạnh.
Tổng thống Duterte nói về vụ ám sát Thị trưởng Halili. Ảnh: Rappler |
Theo trang Rappler (Philippines), trước khi nhắc đến ông Halili, ông Duterte nói về các thị trưởng "tham gia buôn bán ma túy" như Reynaldo Parojinog (của TP Ozamiz, tỉnh Misamis Occidental), Rolando Espinosa (của TP Albuera, tỉnh Leyte) – cả 2 ông này đều thiệt mạng trong các vụ đấu súng với cảnh sát. Espinosa thậm chí bị giết khi đang bị giam giữ. Trong khi đó, Thị trưởng Jed Patrick Mabilog của TP Iloilo, người nhiều lần bị ông Duterte đe dọa, đã không quay về Philippines sau khi ra nước ngoài.
Những tuyên bố của ông Duterte trái ngược với lời người phát ngôn tổng thống, ông Harry Roque, nói trước đó cùng ngày. Theo ông Roque, ông Halili là đồng minh của ông Duterte và ủng hộ cuộc chiến chống ma túy của chính phủ.
Tuy nhiên, ngay cả cảnh trưởng vùng IV-A cũng nói ông Halili dính líu tới buôn bán ma túy và đó có thể là nguyên nhân khiến thị trưởng này bị giết. Một giả thuyết khác, theo Cảnh sát trưởng quốc gia Philippines Oscar Albayalde, liên quan tới chiến dịch "con đường ô nhục" mà ông Halili triển khai - đưa nghi phạm ma túy đi diễu ngoài đường phố.
Ông Halili làm thị trưởng Tanauan, cách Manila 70 km, từ năm 2013. Tuy nhiên, tới năm 2017, tên ông Halili xuất hiện trong danh sách quan chức chính phủ, nghị sĩ và thị trưởng "nhúng chàm ma túy" trình lên Tổng thống Rodrigo Duterte. Ông phủ nhận cáo buộc nhưng vẫn bị tước quyền kiểm soát lực lượng cảnh sát Tanauan vào cuối năm 2017.
Ông Halili trong tấm ảnh chụp năm 2016. Ảnh: AP |
Tác giả: Hải Ngọc
Nguồn tin: Báo Người lao động