Kinh tế

Ông chủ khách sạn 5 sao: Bầm dập sau sự hào nhoáng

Liên tục đưa ra các chương trình khuyến mại theo thời kỳ, theo mùa, các khách sạn 4,5 sao luôn rực sáng trước cái nhìn của công chúng. Đằng sau sự xa hoa đó là những ông chủ khách sạn đang thắt lưng buộc bụng trong cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt.

Những tên tuổi bị mua đứt

Dự án Duxton Hotel Saigon ở quận 1 (TP.HCM) vừa được chuyển nhượng và đổi tên thành Saigon Prince. Giá trị chuyển nhượng lên tới 49 triệu USD. Chủ cũ khách sạn này là Low Keng Huat, một tên tuổi lớn trong ngành bất động sản Singapore.

Khách sạn 4 sao này toạ lạc tại Đại lộ Nguyễn Huệ, một trong những điểm đến không thể bỏ qua của TP.HCM, với 191 phòng ở hạng sang, 16 phòng họp và nhiều tiện nghi khác.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong số các khách sạn hạng sang đang chịu áp lực khốc liệt để tồn tại. Nhiều tên tuổi mới xuất hiện trên thị trường cũng đồng nghĩa với việc không ít nhà đầu tư phải ra đi, dù tăng trưởng của ngành du lịch gần đây khá khả quan.


Doanh thu của các khách sạn năm 2015 sụt giảm

Khách sạn 5 sao Sofitel Plaza Hanoi cũng đang trong quá trình hoàn tất cho đơn vị sở hữu mới là Tập đoàn khách sạn Pan Pacific - PPHG (Singapore). Vào tháng 10 tới, khách sạn sẽ có tên mới là Pan Pacific.

Với loại tài sản này, mục tiêu của giới đầu tư là phải săn lùng được những bất động sản có vị trí đắc địa, đã hoàn thiện và đang đi vào vận hành khai thác, có thể mang lại dòng tiền ngay lập tức.

Nhìn vào thực tế, hoạt động của các khách sạn vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Theo khảo sát của Grant Thornton Việt Nam, cả hai phân khúc khách sạn 4 sao và 5 sao đều hoạt động kém hiệu quả.

Giá phòng trung bình hàng năm của khách sạn cao cấp giảm đáng kể, lên tới 11,3%, từ 98 USD năm 2014 xuống còn 87 USD năm 2015, trong khi công suất thuê phòng trung bình chỉ tăng 1,2% đã dẫn đến sụt giảm doanh thu. Chỉ số thu nhập thuần trước lãi, thuế và khấu hao lần lượt giảm 3,8% và 4,2% so với năm trước.

Grant Thornton đánh giá, năm 2015 là năm khó khăn đối với ngành khách sạn Việt Nam do tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng của một số nền kinh tế lớn và các yếu tố địa chính trị cũng như vấn đề an ninh an toàn của ngành du lịch toàn cầu đang bị thách thức.

Năm 2015 đã ghi nhận hơn 7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, cao hơn Úc nhưng vẫn thấp hơn một số các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Hiện doanh thu ngành dịch vụ khách sạn Việt Nam tương đối thấp so với các nước trong khu vực. Lượng khách doanh nhân đang giảm, trong khi đây là một trong những thị phần cần được quan tâm nhiều hơn.

Cuộc cạnh tranh mới

Trong khi hoạt động của nhiều khách sạn không hiệu quả, thì một nguồn cung lớn trong tương lai sẽ tạo thêm một áp lực mới. Thống kê của CBRE VN cho thấy, nhiều nhà đầu tư mới gia nhập thị trường trong lĩnh vực này, đơn cử như khách sạn Holiday Inn & Suites Airport đang được xây dựng; khách sạn 4 sao Bay Hotel trên đường Ngô Văn Nam, Quận 1 sắp khánh thành. Tại Hà Nội, Novotel Suites Hanoi cũng vừa đi vào hoạt động.


Nhiều khách sạn hạng sang đang mọc lên ngày càng nhiều

Một trong những thị trường mới nổi là Phú Quốc cũng có tới 200 dự án được cấp phép trong năm 2015. Rất nhiều dự án 5 sao được phát triển trong giai đoạn 2016-2017, bao gồm Crowne Plaza Hotel, Novotel Resort, Sonasea Villas & Resort, và Sunset Sanato Premium Complex.

Ngoài ra, bán đảo Cam Ranh là một điểm đến mới với nhiều tiềm năng du lịch. Tính đến cuối năm 2015, có hơn 30 dự án được cấp phép đầu tư, 13 dự án trong số đó hiện đang trong quá trình xây dựng và dự kiến ra mắt trong một vài năm tới; hầu hết các dự án nằm dọc Bãi Dài và thuộc phân khúc 4 đến 5 sao.

Các chuỗi khách sạn và đơn vị quản lý khách sạn nổi tiếng như Wyndham, Holiday Inn và Pan Pacific cũng gia nhập thị trường Việt Nam. Các đơn vị quản lý khách sạn danh tiếng trên thế giới như Accor, IHG, Marriott, Hilton, và Starwood tiếp tục nhắm tới Việt Nam. Wyndham Legend Halong sẽ là khách sạn 5 sao đầu tiên tại Việt Nam nằm trong chuỗi thuộc Tập đoàn Wyndham với 217 phòng.

Trong tương lai, thị trường khách sạn Việt Nam sẽ chứng kiến sự sôi động của mảng khách sạn và resort 5 sao, với mức tăng trưởng nhảy vọt do có thêm nhiều địa chỉ được trông đợi sẽ mở cửa tại TP.HCM từ nay đến năm 2017.

Hà Nội dự kiến đón gần 1.000 phòng khách sạn 5 sao từ một số dự án như Landmark 72 vào cuối năm 2016, khách sạn Văn Miếu Mercure Hotel đang được xây dựng, Vietinbank Tower và Hilton Hanoi Westlake dự kiến mở cửa trong 2 năm tới. Tập đoàn Starwood cũng dự kiến mở thêm 6 khách sạn và khu nghỉ dưỡng mới trải dọc Việt Nam trong giai đoạn từ 2016 đến 2019.

Số lượng khách sạn tại Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn ít, nhưng thực tế, lượng khách tới Việt Nam rất khiêm tốn. Thái Lan, Malaysia và Singapore là ba quốc gia chào đón số lượt khách du lịch lớn nhất trong khu vực, lần lượt là 30 triệu, 26 triệu và 15 triệu lượt khách.

Trong khi đó, tại Việt Nam, tỷ trọng doanh thu từ hình thức đặt phòng trực tiếp cũng như từ các công ty lữ hành, công ty điều hành tour, theo Grant Thornton, đều giảm khoảng 5%.

Chính vì thế, hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch mới đây tại Hội An đã khuyến khích triển khai thực hiện việc cấp thị thực điện tử, tăng cường mở thêm các đường bay thẳng đến Việt Nam và nâng cao chất lượng và dịch vụ du lịch. Đây là một trong những động lực để ngành khách sạn tăng thêm doanh thu trong cuộc cạnh tranh đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Tác giả bài viết: Duy Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP