Kinh tế

Nuôi lợn công nghiệp: Hướng đi mới của các hộ vùng cao

Hiện nay, hình thức chăn nuôi lợn truyền thống, phân tán nhỏ lẻ trong các hộ gia đình vẫn là chủ yếu, còn tận dụng phế phẩm nông - công nghiệp để làm thức ăn chăn nuôi, chất lượng và số lượng con giống chưa ổn định... nên năng suất và chất lượng chưa cao. Để khắc phục tình trạng này, chăn nuôi lợn siêu nạc theo hình thức công nghiệp đang được bà con xã Xá Lượng, huyện Tương Dương áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nổi bật như mô hình gia đình ông Phạm Văn Thân ở xóm Cửa Rào 1.

Trước đây, gia đình ông Thân chăn nuôi lợn truyền thống nên hiệu quả kinh tế không cao. Đầu năm 2016, ông tìm đến các cơ sở chăn nuôi lợn công nghiệp trong và ngoài tỉnh tham quan, học hỏi kinh nghiệm và quyết định về đầu tư xây dựng mô hình nuôi lợn công nghiệp. Tận dụng diện tích vườn rộng gần 1 ha, cùng với nguồn vốn gia đình sẵn có, ông Thân vay thêm ngân hàng đầu tư 200 triệu đồng để làm chuồng trại nuôi lợn công nghiệp siêu nạc.

Trên diện tích vườn rộng 1ha, ông Thân đầu tư 200 triệu đồng để làm chuồng trại nuôi lợn công nghiệp siêu nạc.


Cộng thêm tiền mua lợn giống và cám công nghiệp, nguồn vốn đầu tư ban đầu đã lên đến 1 tỷ đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn được Trạm khuyến nông huyện hỗ trợ con giống và thức ăn chăn nuôi với tổng trị giá 22 triệu đồng. Bình quân mỗi con lợn khi mua có trọng lượng 7kg, sau 4 tháng xuất chuồng trọng lượng đã lên tới 1,1-1,2 tạ/con. Ông Thân chia sẻ: Bước đầu triển khai xây dựng mô hình thì tôi thấy đạt được yêu cầu, rủi ro thì chưa thấy..So với chăn nuôi bình thường thì chăn nuôi lợn sinh học nhàn hạ hơn, khỏe, kinh tế hiệu quả cao hơn so với chăn nuôi thường.

Bình quân mỗi con lợn khi mua có trọng lượng 7kg, sau 4 tháng xuất chuồng trọng lượng đã lên tới 1,1-1,2 tạ/con


Chuồng trại của gia đình ông Phạm Văn Thân được xây dựng theo đúng quy chuẩn kỹ thuật của một trang trại chăn nuôi công nghiệp, với diện tích rộng 320 m2, được chia thành 10 ô. Trong chuồng thường xuyên có 200 con lợn thịt. Khâu phòng bệnh được thực hiện khoa học. Hàng ngày, đàn lợn được tắm rửa và định kỳ phun hóa chất phòng dịch. Để đàn lợn phát triển tốt, ông còn đầu tư các thiết bị công nghệ cao như sàn nhựa, hệ thống máng ăn, uống tự động và xây hầm biogas xử lý chất thải. Số tiền xây dựng hầm bioga trị giá 15 triệu đồng này cũng được Trạm khuyến nông huyện Tương Dương hỗ trợ.

Đây là mô hình chăn nuôi lợn siêu nạc đầu tiên của huyện Tương Dương. Gia đình này cũng chịu khó, tìm tòi học hỏi. Huyện cũng tập trung chỉ đạo Trạm khuyến nông, Trạm thú y thường xuyên đến với hộ gia đình ông để hướng dẫn quy trình phòng trừ chăm sóc nuôi dưỡng. Đây là một mô hình mà huyện xem sẽ nhân rộng ra các vùng khác có điều kiện ví dụ như Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái là những vùng có truyền thống nuôi lợn thịt áp dụng theo phương thức này. Ông Lô Khăm Kha- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tương Dương trao đổi.

Chăn nuôi công nghiệp đầu tư hệ thống trang thiết bị công nghệ cao, chi phí ban đầu cao hơn so với cách chăn nuôi nhỏ lẻ .


Chăn nuôi công nghiệp đầu tư hệ thống trang thiết bị công nghệ cao, chi phí ban đầu có cao hơn so với cách chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng bù lại trong quá trình nuôi sẽ giúp đàn lợn phát triển khỏe mạnh, tránh được rủi ro do bệnh tật, lợi nhuận cũng cao hơn. Trong 2 lứa lợn mới đây, gia đình ông Thân đã xuất bán được 2,2 tấn lợn hơi thu về gần 120 triệu đồng. Theo ông, chăn nuôi lợn theo hình thức công nghiệp đòi hỏi người chăn nuôi cần có kinh nghiệm cũng như nắm được nhu cầu của thị trường chăn nuôi.

Tuy nhiên, điều ông băn khoăn nhất vẫn là chất lượng và giá cả con giống đầu vào. Ý định của gia đình tôi, sau khi xuất 200 con lợn này, chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng một chuồng trại nữa để nuôi khoảng 20 con lợn nái, để gây giống. Bởi vì con giống giá cả bấp bênh thị trường bấp bênh, khi thì 1,2 triệu. Đến khi gia đình lấy lại lên 1,7 triệu đồng.Mình lại phải phụ thuộc vào họ. Cho nên gia đình tự lực cánh sinh để lấy con giống cho tốt - Ông Thân cho biết thêm.

Chăn nuôi lợn siêu nạc theo phương thức công nghiệp hiện đang được nhiều hộ dân ở Tương Dương lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình. Đây là một trong những xu hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng giá trị cao, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình và xã hội.

Tác giả bài viết: Hiến Chương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP