Trong một lần tham quan mô hình nuôi gà của người cháu, tuy nuôi quy mô nhỏ nhưng hiệu quả kinh tế cao. Điều đó đã thôi thúc ông tìm kiếm và học hỏi kỹ thuật chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm từ các trang trại đã thành công với mô hình này.
Chủ trại gà Phạm Văn Ảnh
Khởi nghiệp với 100 con nuôi tại gia, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao năm 1998 ông cho nhân rộng mô hình lên 3.000 con, đến nay trang trại đã lên đến 10.000 con. Trong đó, khoảng 6.500 con gà mái đang cho trứng và hơn 4000 gà mái hậu bị sẽ bắt đầu cho trứng vào 3 tháng nữa. Với 6.500 con gà mái đẻ gia đình ông thu hơn 400 ký trứng mỗi ngày. Giá thị trường hiện nay từ 32-33 ngàn/kg. Sau khi trừ các chi phí, trung bình hàng năm gia đình thu từ 300-400 triệu đồng/năm.
Mỗi ngày trại gà của ông Ảnh có thể xuất bán hơn 400 ký trứng/ngày. Sau khi trừ chi phí doanh thu đạt 300-400 triệu/năm
Đàn gà của ông Ảnh nhờ đầu tư kỹ thuật chăm sóc bài bản, phòng chống dịch bệnh nên phát triển tốt, sức sinh sản mạnh, cho hiệu quả kinh tế cao. Phân gà được thu gom phơi khô rồi bán đi các tỉnh Tây Nguyên.
Hiện trang trại gà của ông được xây dựng tại đồi núi thuộc thôn Đông Lâm (Đại Quang) với tổng diện tích 1ha. Trang trại của ông được đầu tư theo hướng công nghiệp hoàn toàn. Nhờ vậy, khâu chăm sóc, tiêm phòng, cho ăn tới khâu vệ sinh chuồng trại, thu hoạch trứng được thuận lợi hơn.
Nhờ áp dụng đúng các khâu kỹ thuật về chăm sóc và phòng bệnh, chọn giống nên trại gà ông Ảnh luôn đảm bảo hiệu quả cao
Chuồng nuôi rộng hơn 200 m² được làm bằng sắt khiến độ bám phân ít, dễ thu gom trứng, trứng lại sạch, ít nứt bể, được thị trường ưa chuộng. Nhờ đầu tư máng ăn, máng uống cho gà, ông tiết kiệm được khoản kinh phí không nhỏ.
Ông cho biết: “Nếu với máng ăn, máng uống thông thường, mỗi năm thức ăn, nước uống thất thoát do gà rơi vãi xuống nền chuồng làm mất vệ sinh, thì nay gà có thể ăn đúng khẩu phần, đúng với nhu cầu của chúng. Bên cạnh đó, mình nuôi gà phải hiểu rõ về kỹ thuật chăn nuôi, khâu chăm sóc và phòng bệnh cho gà. Phải theo dõi hơi thở, phân gà,… để có thể phòng trừ trước không bị động trước dịch bệnh xảy ra, nhờ vậy đàn gà vẫn có thể phát triển tốt, trứng sạch, an toàn”.
Chuồng được làm bằng sắt khiến độ bám phân ít, dễ thu gom trứng, trứng lại sạch, ít nứt bể, được thị trường ưa chuộng
Theo ông Ảnh, đối với người chăn nuôi gà thì khâu chọn giống và đảm bảo kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh là rất quan trọng. Trang trại của ông Ảnh hiện có 4 nhân công phục vụ việc chăm sóc, vệ sinh và thu gom trứng. Ông còn đầu tư dụng cụ, quần áo bảo hộ cho lao động để đảm bảo khâu vệ sinh, đảm bảo các quy chuẩn về tiêu độc, khử trùng trong chăn nuôi.
Hiện trứng từ trang trại ông Ảnh được xuất bán đi nhiều nơi, thị trường ưa chuộng. Với mỗi lần xuất bán ông đều có hợp đồng rõ ràng với khách hàng để đảm bảo nguồn tiêu thụ.
Ông Hồ Mặt - Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Đại Quang -cho biết: “Trại nuôi gà của ông Phạm Văn Ảnh là một trong những trại làm ăn đạt kinh tế cao tại địa phương. Đây là mô hình hay, tạo điều kiện cho nhiều người tham quan, học hỏi. Hiện nay, tại Đại Quang cũng đang triển khai mô hình nuôi heo khép kín, đạt chuẩn chất lượng với quy mô 1000 con do nhiều xã viên cùng hợp tác chăn nuôi”.
Tác giả bài viết: N.Linh-C.Bính
Nguồn tin: