Giáo dục

Nữ giáo sư đầu tiên của ngành ngôn ngữ học Việt Nam qua đời

Nữ giáo sư đầu tiên của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam, bà Hoàng Thị Châu vừa qua đời ở tuổi 87.

Nữ giáo sư đầu tiên của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam, bà Hoàng Thị Châu. Ảnh: Thành Long


Theo thông tin từ Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Giáo sư Tiến sĩ – Nhà giáo Nhân dân Hoàng Thị Châu, do tuổi cao sức yếu, đã từ trần rạng sáng 6/8, hưởng thọ 87 tuổi.

Bà Hoàng Thi Châu là nữ giáo sư đầu tiên của ngành Ngôn ngữ học, nhà khoa học nhận giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ cho công trình "Tiếng Việt trên các miền đất nước".

Hoàng Thị Châu sinh năm 1934, tại ngoại ô thành phố Huế. Theo Thanh Niên, gia đình bà Châu có truyền thông hoạt động cách mạng. Cả ba chị em bà đều đã từng hoạt động trong lòng địch từ cuộc kháng chiến chống Pháp. Bà là nguyên mẫu cho nhân vật nữ du kích bé nhỏ tên Châu trong cuốn "Đội thiếu niên du kích thành Huế" của Văn Tùng.

Ngay khi tốt nghiệp đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Nga) năm 1962, bà Hoàng Thị Châu về nước công tác trong tổ Bộ môn Ngôn ngữ học, khoa Ngữ Văn – đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội).

Bà là Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội giai đoạn 1983-1993 và có nhiều bài nghiên cứu được chú ý.

Với cương vị là một nhà quản lý chuyên môn, bà luôn mở rộng sự hợp tác với các đơn vị bạn trong nghiên cứu và đào tạo, đồng thời phối hợp hoạt động nghiên cứu với các đồng nghiệp.

Theo các chuyên gia về ngôn ngữ, nói đến ngành phương ngữ học ở Việt Nam thì phải nhắc đến GS. Hoàng Thị Châu, bởi bà là một trong những chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực này.

Bà từng được cử sang CHDC Đức làm chuyên gia dạy tiếng Việt ở trường Đại học Humboldt. Trong 5 năm tại đây bà vừa giảng dạy vừa nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; xuất bản cuốn sách dạy tiếng Việt bằng tiếng Đức.

Năm 1991, bà được phong học hàm giáo sư và trở thành nữ giáo sư đầu tiên của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam.

Đặc biệt, năm 2005 bà đã nhận được Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ mà công trình tiêu biểu là "Tiếng Việt trên các miền đất nước".

Trong mấy chục năm nghiên cứu, bà đã cho xuất bản 7 cuốn sách (thuộc các lĩnh vực khác nhau như: giáo trình, chuyên luận, từ điển) và công bố 56 bài báo (không tính hai năm trở lại đây).

Trong ấn tượng của các thế hệ học trò và đồng nghiệp, bà là gương sáng về tinh thần dấn thân, miệt mài nghiên cứu và giảng dạy.

Có thể nói, GS. Hoàng Thị Châu vừa là một nhà giáo mẫu mực vừa là một nhà khoa học luôn làm việc không biết mệt mỏi. Sự nghiệp của bà xứng đáng là một sự nghiệp có tầm vóc trong ngành Ngữ học Việt Nam.

GS.TS. NGND. Hoàng Thị Châu, sinh năm 1934, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1983-1993).

Do tuổi cao, sức yếu và lâm bệnh nặng, bà Hoàng Thị Châu từ trần hồi 2h32′, ngày 6/8/2020, hưởng thọ 87 tuổi.

Lễ viếng GS. Hoàng Thị Châu bắt đầu từ 11h30, ngày 8/8/2020 (thứ Bảy) tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 12h45, ngày 8/8/2020.

Hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ, Văn Điển.

Tác giả: Vi An (T/h)

Nguồn tin: doisongphapluat.com

  Từ khóa: Nữ giáo sư , qua đời

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP