Vươn lên từ “góc tối đơn độc” ở xứ người, nữ du học sinh Việt Trần Khánh Linh ngày càng khẳng định bản thân tại môi trường đại học Mỹ. Nữ sinh ngành Truyền thông và Xã hội học đã sáng lập/ đồng sáng lập nhiều dự án xã hội ý nghĩa (Finding Asia in America, When The Birds Fly Home, Hanoi Coffee Discussion…). Cô là đồng chủ tịch Hội SV Việt Nam, trợ lý marketing trung tâm phát triển nghề nghiệp, phóng viên và nhiếp ảnh tại tờ báo của trường ĐH Oberlin.
Từ chính trải nghiệm và câu chuyện mắc bệnh trầm cảm nhẹ của mình, nữ du học sinh muốn chia sẻ đến các bạn tân sinh viên kinh nghiệm hòa nhập môi trường đại học Mỹ.
Trần Khánh Linh sinh năm 1996 - Hoa khôi "Nét đẹp Tràng An" là cựu học sinh THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, hiện là sinh viên năm 4 ĐH Oberlin – một trong những ngôi trường nghệ thuật danh tiếng tại Mỹ. |
Theo Khánh Linh, nhiều người Việt quan niệm đỗ được trường top ở Mỹ sẽ có tương lai xán lạn, nghề nghiệp tốt, mức lương cao, trở thành người thành đạt nhưng đó là suy nghĩ sai lầm. Bởi đỗ một trường đại học tốt không đảm bảo được bất kì điều gì về cuộc đời bạn. Đó chỉ là một bước rất nhỏ trong chặng đường dài và gian nan phía trước.
“Có nhiều du học sinh Việt Nam không hạnh phúc trong môi trường đại học ở Mỹ, bởi vì một phần họ quên mất tầm quan trọng việc cân bằng 3 mảng trong cuộc sống (học tập, cuộc sống cá nhân và quan hệ xã hội)”, Linh nhấn mạnh,
Bản thân Linh cũng từng không duy trì một đời sống xã hội vững vàng, có thời gian chỉ lên trường học rồi về nhà cắm cúi đọc báo, viết lách, không quan tâm dành thời gian bồi dưỡng mối quan hệ với bạn bè. Dần dần, cô nhận ra mình mất đi bạn bè, cô độc, có các triệu chứng của trầm cảm nhẹ như mất ngủ triền miên, sợ giao tiếp và giáp mặt người, luôn cảm thấy đơn độc, khóc nhiều và muốn chạy trốn…
Khi dũng cảm chia sẻ câu chuyện bản thân trên trang cá nhân, Khánh Linh nhận được rất nhiều đồng cảm từ các du học sinh khác. Họ mắc các bệnh tâm lý nhưng không dám chia sẻ với gia đình ở quê nhà vì nhiều phụ huynh Việt chưa có góc nhìn đúng đắn, công bằng về bệnh tâm lý.
Linh nhấn mạnh tầm quan trọng của đời sống xã hội đối với các du học sinh. Một mặt vì lẽ tự nhiên, con người là sinh vật sống cần có cộng đồng, ở trong trạng thái đơn độc lâu dễ dẫn đến ảnh hưởng tâm lý tiêu cực; mặt khác sự kết nối sẽ giúp du học sinh tiếp xúc với nhiều nét văn hóa trên thế giới từ đó có thể mở rộng nhân sinh quan, mạng lưới mối quan hệ có ý nghĩa lâu dài.
Chuẩn bị
Vì người Mỹ nói rất nhanh và sử dụng nhiều tiếng lóng nên lời khuyên đầu tiên của Khánh Linh là các du học sinh trước tiên cần trau dồi khả năng tiếng Anh và vốn từ vựng. Mặt khác, nếu muốn hòa nhập bạn cũng cần chuẩn bị, trau dồi kiến thức về phim ảnh, gu âm nhạc, lối sống của giới trẻ Mỹ, văn hóa – chính trị Mỹ và văn hóa riêng của từng trường Đại học, đặc biệt là ngôi trường bạn đang theo học.
Hoặc như ở Việt Nam, chúng ta đã quen có thời gian biểu học tập giống nhau, học nhiều lớp cùng nhau thì ở Mỹ, thời gian biểu và lịch sinh hoạt của các bạn trong trường khác nhau rất nhiều. Do đó, nếu bạn muốn dành thời gian với bạn bè thì phải chủ động hẹn trước vì không phải cứ đến trường là bạn sẽ gặp bạn mình.
Trau dồi ngôn ngữ, kiến thức văn hóa, chính trị của Mỹ giúp cô gái Việt thích nghi tốt với môi trường du học. |
Về văn hóa, chính trị, du học sinh cũng rất cần có hiểu biết nhất định vì người Mỹ nói đến những chủ đề này rất nhiều. Nước Mỹ là nước đa chủng tộc, với nhiều vấn đề xã hội như bao nơi khác. Sinh viên Mỹ rất có thể nói về chính trị từ nhà ăn tới lớp học vì họ hiểu hệ thống chính trị và lá phiếu bầu cử ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân họ thế nào.
Để có cuộc nói chuyện ý nghĩa với người Mỹ thì bạn nên biết ở Mỹ có 2 Đảng (Dân chủ và Cộng hòa), người Mỹ quan điểm thế nào về các vấn đề gây tranh cãi thế nào (bỏ thai, sử dụng súng, các vấn môi trường và chống biến đổi khí hậu…)
Sốc văn hóa – sự lo lắng, cảm xúc ngạc nhiên, mất phương hướng, bối rối khi phải hoạt động trong môi trường mới là điều hầu như ai cũng gặp phải. Chỉ có điều ngắn hay dài tùy thuộc vào khả năng thích ứng mỗi người và việc tìm hiểu giúp quá trình thích nghi diễn ra nhanh hơn.
Hành động
Khánh Linh lưu ý, năm nhất đại học học kỳ đầu tiên là quan trọng nhất trong kết nối bạn bè. Và tuần định hướng cho sinh viên mới vào trường mang tính bước ngoặt vì lúc này ai cũng háo hức muốn kết bạn, mở rộng mối quan hệ, mặt khác bài vở cũng chưa bận lắm nên đây là thời gian rất thích hợp xây dựng mối quan hệ. Năm 3 năm 4 mà bạn vẫn cô độc thì việc tham gia vào các nhóm bạn đã hình thành sẽ khó hơn.
Là một sinh viên quốc tế, bạn phải thúc đẩy bản thân cởi mở hơn, chủ động kết bạn với người lạ thay vì chỉ chơi với nhóm bạn đến từ cùng quốc gia/ khu vực.
“Sinh viên châu Á bị định kiến là chỉ chơi với châu Á cho nên nếu bạn không chủ động bắt chuyện với người khác thì họ sẽ thường không bắt chuyện chủ động với bạn”, nữ du học sinh Việt chia sẻ. “Đó là một gánh nặng mình thấy bất công, nhưng trước khi có sự thay đổi từ phía họ thì mình đành phải điều chỉnh bản thân trước thôi”.
Thử sức tham gia các CLB, tổ chức sinh viên, hoạt động ngoại khóa... là cách tốt để hòa nhập môi trường đại học ở Mỹ. Tuy nhiên vì các hoạt động này khá tốn thời gian nên dẫu sao chất lượng vẫn tốt hơn số lượng. Đồng thời, các du học sinh nên bắt đầu từ năm nhất với các CLB phù hợp sở thích, đam mê, kỹ năng rồi gắn bó với họ lâu dài. Điều này giúp bạn dễ dàng ứng cử vị trí lãnh đạo khi đã thành sinh viên khoá trên, có nhiều trách nhiệm và cơ hội học hỏi hơn, rất có ích trong quá trình xin việc sau này vì ở Mỹ thành tích học tập không phải là tất cả.
Khánh Linh (thứ hai, bên phải) và bạn của cô đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. |
“Hòa nhập nhưng không hòa tan. Hòa nhập nhưng nên biết lựa chọn giá trị cho phù hợp với văn hóa truyền thống, đồng thời không ngại thử sức với giá trị văn hóa mới bởi đại học cũng là nơi giúp chúng ta khám phá, định hình tính cách bản thân”, Trần Khánh Linh nhắn nhủ các tân sinh viên.
Tác giả: Lệ Thu (ghi)
Nguồn tin: Báo Dân trí