Nông dân xã Quỳnh Châu tích cực chăm sóc hoa
Gia đình ông Nguyễn Bỉnh Lịch ở xóm 1 là hộ đầu tiên của xã Quỳnh Châu đưa các giống hoa cúc, hoa ly và hoa hồng Đà Lạt về trồng tại địa bàn xã. Tuy nhiên, do khí hậu ở địa phương không phù hợp để hoa hồng sinh trưởng nên dù được ông chăm sóc rất công phu nhưng loại hoa này cứ còi cọc và không ra hoa. Do vậy, gần 10 năm nay ông Bỉnh chuyên tập trung trồng hoa cúc và ly. Với những kinh nghiệm học được từ các làng nghề hoa nổi tiếng ở Đà Lạt nên ông luôn thành công trong việc cho ra những sản phẩm hoa đều, đẹp, phù hợp với thị hiếu và rất được khách hàng trong, ngoài xã tìm mua. Nhờ đó, chỉ với diện tích 2 sào trồng hoa nhưng đã cho gia đình ông thu lãi hàng chục triệu đồng/năm. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu hoa tết, gia đình ông đang tập trung trồng 1 vạn cúc, 3 nghìn gốc ly. Tùy vào màu sắc đỏ, vàng, hồng nên mỗi gốc ly giống có giá khác nhau và giao động từ 17 – 22 nghìn đồng/gốc. Đây cũng là loại hoa dễ chăm sóc nhưng phải cần sự tỉ mỉ, chịu khó bám ruộng của người trồng. Chính vì vậy, hàng ngày ông Bỉnh đều tích cực tưới nước tạo độ ẩm cho hoa và bón đạm theo tỷ lệ phù hợp, đồng thời theo dõi sự phát triển của cây nếu xuất hiện các bệnh lụn gốc, nấm gốc, chết ẻo, chùn gốc và cóc lá thì có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Hàng ngày các hộ làm nghề đều phải tưới nước tạo độ ẩm để cho hoa phát triển tốt
Xuất phát từ hộ gia đình ông Nguyễn Bỉnh Lịch mà hiện nay toàn xã Quỳnh Châu đã có 2,5 ha trồng hoa tập trung ở xóm 1. Với địa hình thuận lợi, chất đất tương đối phù hợp cộng với hệ thống nước dễ tiêu, dễ tưới và chăm sóc khoa học, hợp lý nên các giống hoa lấy ở Đà Lạt như ly, huệ, cúc… được trồng ở địa phương này luôn phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Một sào hoa mỗi năm cho tổng giá trị thu nhập từ 500 – 700 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và các xã miền núi của huyện Quỳnh Lưu. Để vụ hoa năm nay đạt kết quả cao, hiện nay bên cạnh việc chăm sóc, bón các loại phân như lân, đạm thì địa phương cũng khuyến cáo bà con theo dõi và phun thuốc phòng trừ kịp thời khi xuất hiện các bệnh trên cây trồng, đặc biệt là điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng phù hợp với từng giai đoạn phát triển để hoa nở đúng vụ, tránh thất thu. Ông Nguyễn Bỉnh Khảng – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu cho biết:“Về việc trồng hoa ở Quỳnh Châu thì người dân đã nắm được khoa học kỹ thuật, hơn nữa đồng đất và địa lý, địa chất ở đây cũng phù hợp với việc trồng hoa, bên cạnh đó đầu ra rất phù hợp, hoa được làm ra toàn bộ được tiêu thụ trước tết âm lịch nên hiệu quả kinh tế mang lại cao. Định hướng của xã sắp tới trên mô hình từ xóm 1, Quỳnh Châu nhân rộng ra các xóm xung quanh với điều kiện và nhân lực sẵn có ở địa phương.”
Việc làm hoa đỏi hỏi người làm nghề phải tỉ mỉ, dành nhiều thời gian chăm sóc
Hoa tết là vụ được người dân mong đợi nhất trong năm, vì vậy bên cạnh việc chăm sóc hy vọng thời tiết sẽ mưa thuận gió hòa để hoa nở đúng dịp, cho người làm nghề một nguồn thu lớn, qua đó đón tết cổ truyền dân tộc 2017 no đủ hơn./.
Tác giả bài viết: Hồng Diện (Đài Quỳnh Lưu)
Nguồn tin: