Kinh tế

Nông dân nuôi cá tra trong chuỗi liên kết lo mất nhà… vì ngân hàng siết nợ

Ngân hàng Nhà nước đã bác kiến nghị của UBND tỉnh An Giang về việc chuyển nợ các hộ nuôi cá tra sang Công ty Thuận An. Hiện ngân hàng Aribank An Giang yêu cầu người dân nhận nợ và trả nợ nên các hộ dân đang lo mất nhà, vỡ nợ… vì liên kết nuôi cá tra.

Tháng 7/2014, UBND tỉnh An Giang có Quyết định phê duyệt cho vay thí điểm dự án chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ đối với 3 dự án nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó, dự án chuỗi liên kết “sản xuất – chế biến – xuất khẩu” cá tra do Cty Thuận An đầu tư. Mô hình thực hiện được 2 năm, đến tháng 11/2016, Tổng giám đốc công ty Thuận An đi “công tác” nước ngoài rồi biệt tăm cho đến nay.

Nông dân làm đúng, DN bẽ kèo…

Mới đây, 9 hộ dân (tổng số 12) trong chuỗi liên kết “sản xuất, chế biến,xuất khẩu” cá tra trên địa bàn tỉnh An Giang tiếp tục gửi đơn (lần 7) kêu cứu đến Chính phủ, vì người dân lo mất nhà, vỡ nợ… nếu nguyện vọng của họ không được các cơ quan chức năng xem xét thấu đáo.

Trong đơn gửi Thủ tướng Chính phủ, các hộ dân trình bày: Khi sự việc Tổng giám đốc công ty TNHH SX-TM-DV Thuận An (công ty Thuận An) bỏ trốn ở nước ngoài vào tháng 11/2016, sự kiết kết tay ba giữa người dân nuôi cá, ngân hàng Aribank An Giang và công ty Thuận An bị phá vỡ nguyên tắc “làm ăn” trong chuỗi liên kết mà các cơ quan chức năng từ trung ương đến UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt. Nói rõ thêm rằng: bộ ba này được Ngân hàng Nhà nước và UBND tỉnh An Giang xem xét kỹ lưỡng và quyết định cho tham gia vào chuỗi liên kết.

Trước nguy cơ mất nhà, vỡ nợ vì tham giam trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra, 9 người dân đã làm đơn cầu cứu Thủ tướng Chính phủ

Khi đó, UBND tỉnh An Giang thành lập Tổ xử lý vụ việc và sau nhiều cuộc họp giữa các bên, Tổ xử lí thống nhất với phương án: Đối với các hộ dân có dư nợ với ngân hàng sau khi bán cá, công ty Thuận An có trách nhiệm nhận nợ và trả nợ cho các hộ dân này. Khi Công ty Thuận An hoàn tất các khoản nợ cho người dân, ngân hàng Aribank An Giang giải chấp tài sản cho các hộ dân nuôi cá (có 4 hộ dân).

Đối với 6 hộ dân có nợ vay lớn hơn giá trị giao cá, giữa Agribank An Giang và hộ nuôi cá thực hiện việc cấn trừ nợ, khi người dân hoàn tất các nghĩa vụ nợ với Agribank An Giang, ngân hàng này thực hiện việc giải chấp tài sản cho các hộ dân.

Khi tham gia chuỗi liên kết, các hộ dân thuế chấp tài sản, tiền chênh lệch khi giao cá không được ngân hàng giải ngân đã đầy nhiều hộ dân lâm vào cảnh khó khăn...


Phương án trên được UBND tỉnh An Giang cụ thể bằng văn bản 519 gửi đến Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, tại công văn này, UBND tỉnh An Giang cho biết, tính đến ngày 28/2/2017, có 10 hộ nông dân còn nợ Agribank An Giang 78,43 tỉ đồng, trong đó nợ gốc quá hạn là 37,77 tỉ đồng. Ngược lại, Cty Thuận An còn nợ tiền mua cá của nông dân là 62,72 tỉ đồng.

Theo quy trình cho vay trong dự án, các hộ nông dân không trực tiếp nhận tiền, mà chỉ nhận thức ăn nuôi cá, được ngân hàng trả tiền thay, rồi họ ký nhận nợ lại với ngân hàng. Đến kỳ thu hoạch, người dân chỉ bán cá cho Công ty Thuận An. Sau đó, công ty này có trách nhiệm tất toán khoản vay của nông dân với ngân hàng, còn người dân sẽ nhận phần chênh lệch còn lại.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh An Giang đề nghị với Ngân hàng Nhà nước, chuyển phần nợ của các hộ nuôi cá sang Công ty Thuận An, và Cty này có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng theo dự án chuỗi.

… nợ đổ lên đầu người dân

Tuy nhiên, tháng 7/2017 Ngân hàng Nhà nước không đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh An Giang. Ông Lê Văn Nưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: “Đoàn công tác của tỉnh đã làm việc trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước, nhưng họ không đồng tình với những kiến nghị của chúng tôi”.

Ông Nguyễn Văn Tấn – một trong 9 hộ dân có đơn gửi đến Thủ tướng Chính phủ, cho biết: “Chúng tôi không đồng tình với chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc giao cho Aribank An Giang buộc chúng tôi nhận nợ và đưa ra thời gian trả nợ, trong khi số nợ này là trách nhiệm của Công ty Thuận An phải trả cho ngân hàng như các bên đã ký kết trong chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra”.

Môi hình chuỗi liên kết là rất hay, hiểu quả, tuy nhiên từ chuyện Tổng giám đốc công ty Thuận An đi công tác rồi ở luôn nước ngoài đã làm cả chục hộ dân, ngân hàng khổ sở...

Ông Tấn nói thêm: “Chúng tôi đang bị thiệt thòi vì số tiền chênh lệnh khi giao cá cho Công ty Thuận An đến nay chưa nhận được, nay Ngân hàng đang làm các thủ tục, giao hồ sơ về cơ quan thi hành án địa phương để tiến tới kê biên tài sản của chúng tôi là điều hết sức vô lý. Chúng tôi cầu mong Chính phủ sớm xem xét, chỉ đạo các ngành chức năng giải quyết vụ việc một cách công bằng, chính đáng cho người dân nuôi cá chúng tôi”.

Trong các kiến nghị, UBND tỉnh An Giang, nêu: mô hình chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp là mô hình hay. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ ngành Trung ương nghiên cứu, xây dựng quy trình cho vay, trả nợ để thực hiện mô hình chuỗi liên kết có hiệu quả, giúp người nông dân an tâm sản xuất, góp phần giải quyết bài toán “trúng mùa, mất giá – được giá, mất mùa”.

Tuy nhiên những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp thủy sản lợi dụng các chính sách tín dụng trong ưu đãi sản xuất nông nghiệp đã vay hàng nghìn tỷ đồng, âm thầm đi công tác, trị bệnh… ở nước ngoài rồi biệt tăm không về. Trách nhiệm vụ việc này thuộc về ai?

Dân trí tiếp tục thông tin tiếp vụ việc này đến bạn đọc.

Tác giả: Nguyễn Hành

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP