Thời tiết thuận lợi thích hợp cho chè phát triển xanh tốt.
Long Sơn là một trong những xã trồng chè trọng điểm của huyện Anh Sơn (Nghệ An). Hiện, toàn xã đã có khoảng gần 300 ha chè công nghiệp. Những ngày này, trên các đồi chè, bà con địa phương tập trung thu hái lứa chè vụ thu sau mưa.
Trong những năm qua, xã Long Sơn tập trung phát triển cây chè theo quy trình VietGAP. Địa phương đã phối hợp Xí nghiệp chè Anh Sơn mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, năng suất và chất lượng cây chè ở Long Sơn ngày càng được nâng cao. Phát huy kết quả đó, xã có chủ trương trồng mới 20 ha chè mỗi năm theo mô hình VietGAP.
Thu hoạch bán chè cho thương lái đến mua tận nơi.
Bà Trần Thị Hóa, xóm chín, xã Long Sơn, hộ trồng chè cho biết, “Những tháng trước, thời tiết nắng hạn khiến cho chè không phát triển được. Nhờ những cơn mưa vừa qua mà nay đồi chè của các hộ gia đình trồng xanh tốt, ra nhiều búp. Gia đình tôi trồng ba ha, mỗi đợt gia đình thu hái được trên năm tấn chè búp tươi. Nhờ thời tiết thuận lợi, lứa chè búp đạt năng suất cao hơn lứa trước. Dự kiến thu lãi hơn mười triệu đồng một tháng”.
Toàn huyện Anh Sơn hiện có gần 3.000 ha chè nguyên liệu, trong đó 1.700 ha đã cho thu hoạch, tập trung ở các xã như: Hùng Sơn, Long Sơn, Đỉnh Sơn và Cẩm Sơn. Sau khi thu hoạch chè, các công ty, cơ sở sản xuất đến tận nơi thu mua với giá dao động hơn 30.000 đồng/kg. Hiện nay, trên địa bàn huyện Anh Sơn có ba xí nghiệp chè thu mua chè nguyên liệu là xí nghiệp chè Anh Sơn, Xí nghiệp chè Bãi Phủ, xí nghiệp chè Hùng Sơn với công suất 90 tấn/ngày. Ngoài ra, còn có 13 cơ sở chế biến chè tại các hộ gia đình. Đầu ra sản phẩm khá thuận lợi nên thời gian qua, nông dân Anh Sơn yên tâm tập trung đầu tư phát triển cây chè công nghiệp theo hướng chủ đạo.
Tác giả bài viết: Ngân Phạm