Nhân ái

Nỗi thống khổ của vợ chồng già nuôi con ngờ nghệch, chăm cháu mắc bệnh động kinh

Nhiều năm nay, người dân xóm Bản Cái, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên ai nấy đều xót thương khi nhắc đến hoàn cảnh éo le của “người mẹ khờ” Nguyễn Thị Ngát (SN 1965) và con trai mắc bệnh động kinh. Vì khờ khạo, chậm chạp nên cuộc sống của 2 mẹ con vẫn phải nhờ cậy hoàn toàn vào bố mẹ đã già yếu.

Chị Ngát bên cạnh con trai và bố mẹ của mình. (Ảnh: Đàm Linh).


Bố mẹ gần đất xa trời vẫn phải chăm con

PV ĐS&PL có mặt ở xóm Bản Cái, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên vào một ngày mưa tầm tã. Để có thể tìm được nhà hai mẹ con chị Ngát, chúng tôi phải nhờ đến sự giúp đỡ của ông Phan Văn Sáng, Bí thư chi bộ xóm Bản Cái.

Con đường gập ghềnh, quanh co men bờ suối đưa chúng tôi đến căn nhà sàn cũ kỹ nằm nép mình dưới chân rừng phòng hộ. Để vào được căn nhà ấy, chúng tôi phải đi qua đoạn đường đất lầy lội và trơn trượt.
Nở nụ cười đôn hậu, ông Nguyễn Văn Thơm (bố đẻ chị Ngát) nhiệt tình mời chúng tôi lên nhà. Khi vào trong nhà, đảo mắt nhìn quanh, chúng tôi không khỏi cám cảnh ngoài chiếc tủ cũ ọp ẹp trong nhà không có bất kỳ một đồ vật nào thực sự có giá trị. Có lẽ, căn nhà sàn này đã được xây dựng từ lâu và cũng đã lâu không được sửa chữa nên mọi thứ từ cột, kèo, sàn nhà,... đều đã cũ mục.

Mời chúng tôi chén trà vừa mới pha, ông Thơm tâm sự: “Gia đình tôi có 3 người con, Ngát là chị cả. Các em sau đều bình thường và đã lập gia đình còn Ngát từ bé đến giờ khờ khạo, chậm chạp nên vẫn sống cùng vợ chồng tôi”.

“Dù đã 55 tuổi nhưng con gái tôi không được nhanh nhẹn nên cháu không làm gì được. Ngày trước hay đi chăn trâu, làm ruộng gần nhà nhưng giờ sức khỏe yếu nên chỉ quanh quẩn ở nhà”, ông Thơm cho biết.

Nhấp một hớp nước chè, ông Thơm tâm sự với chúng tôi rằng, chị Ngát vốn ngờ nghệch, chậm chạp nên suốt quãng thời gian đẹp nhất của tuổi xuân, chị không có người đàn ông nào để ý đến. Cuộc sống dù khốn khó cứ êm đềm trôi qua cho đến một ngày...

Năm 39 tuổi, sau những lần đi chăn trâu trên rừng về, gia đình thấy bụng con gái to dần mới biết chị Ngát mang thai. “Lúc ấy, tôi giận lắm nhưng cũng chẳng biết tác giả của bào thai là ai. Thôi con mình, cháu mình thì mình thương vậy. Coi như ông trời cho nó có nơi nương tựa về sau”, ông Thơm nở nụ cười đầy chua xót.

Tưởng đó sẽ “món quà” ông trời bù đắp cho chị Ngát, nhưng không... em Nguyễn Quốc Huân (SN 2004) sinh ra lại mắc chứng bệnh động kinh. Cứ vài ngày lại phát bệnh một lần, ông Thơm chia sẻ: “Có khi đang đi đường hoặc ở nhà, cháu tự nhiên ngã xuống nằm giãy giụa. Lúc ở nhà còn đỡ, chứ bị ngoài đường thấy thương lắm. Chúng tôi không dám cho cháu đi ra ngoài vì sợ lúc phát bệnh không ai biết. Bây giờ cháu vẫn đi học nhưng thực sự cháu cũng không được thông minh, lanh lợi như bạn bè”.

Nhìn sang chị Ngát đang ngồi bần thần, chúng tôi nhẹ nhàng hỏi, chị có thương con trai mình không? Người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu ấy chỉ mỉm cười và không nói gì.

Khệ nệ mang ít hoa quả ra mời chúng tôi, bà Nguyễn Thị Giao (mẹ chị Ngát-PV) trả lời thay con gái: “Nó thương con mình lắm nhưng bản tính Ngát ngờ nghệch nên ít nói và cũng khó trả lời dù những câu hỏi bình thường”.

Nén tiếng thở dài, bà Giao cho biết, sức khỏe của bà ngày càng yếu, vì bị suy tim cấp độ 3, huyết áp cao nên chỉ đi lại nhẹ nhàng trong nhà. Nguồn thu nhập chính đều dựa vào đồng lương ít ỏi của ông Thơm và vào trợ cấp xã hội hơn 800 nghìn đồng của hai mẹ con chị Ngát.

Theo bà Giao, bữa cơm nhà đã lâu lắm rồi không có thịt. Bởi lẽ, với gia đình bà, thịt là món ăn xa xỉ, hiếm lắm mới dám mua. Bát cơm trắng và đĩa rau là món ăn chính trong các bữa cơm hàng ngày. Thi thoảng “bóp bụng” ông bà mới dám thịt một con gà cho con gái và cháu trai đỡ thèm.

Mong có tiền chữa bệnh cho cháu

Khi chia sẻ về con gái và đứa cháu, bà Giao không kìm nổi những giọt nước mắt. Với bà, chị Ngát dù có thế nào vẫn mãi luôn là người con hiếu thảo. Chỉ cần nhìn thấy nụ cười trên môi con gái và người cháu trai là bà đã cảm thấy vui: “Tuy khổ nhưng nhà có con có cháu cũng vui, bây giờ ông trời bắt sao thì chịu vậy. Tôi còn khỏe ngày nào thì lo cho mẹ con nó ngày ấy. Mấy nữa yếu quá cũng chẳng biết phải làm sao?”.

Tuy không giàu có về vật chất nhưng ông Thơm không muốn cháu bị thiếu thốn về tình cảm. Ngôi nhà sàn tuy mục nát và tuềnh toàng nhưng luôn đầy ắp yêu thương, tiếng cười và cả khát khao về một ngày mai tốt đẹp hơn.

Nếu có một điều ước, ông chỉ ước có tiền để chữa trị cho đứa cháu của mình: “Nếu bây giờ gia đình tôi có tiền, chắc chắn chúng tôi sẽ dồn toàn bộ để chữa bệnh cho Huân. Mong sao cháu có được cuộc sống bình an, hạnh phúc. Còn tôi, tôi già rồi lại bệnh tật, chả mấy nữa mà khuất núi nên hy vọng mọi bình an sẽ đến với hai mẹ con cháu tôi”.

Là một người chiến sĩ từng chiến đấu ở chiến trường, “bom rơi đạn lạc” ông Thơm không hề run sợ. Nhưng giờ, ở tuổi “gần đất xa trời”, ông lại sợ đến ngày phải xa con gái và cháu trai mãi mãi. Ông chỉ mong cháu mình được sống như người bình thường, không cần phải giàu sang, phú quý. Bởi ông biết, sinh ra là một người lành lặn, bình thường đã là một ân huệ rồi.

Dáng người nhỏ bé, tấm lưng còng vì tuổi già của ông Thơm và những bước chân nặng nề của bà Giao tiễn chúng tôi xuống nhà. Hình ảnh đôi vợ chồng già ốm yếu, nụ cười ngờ nghệch của chị Ngát và đôi mắt buồn của em Huân khiến chúng tôi lo lắng về tương lai của họ.

Chia sẻ với PV ĐS&PL, ông Nguyễn Thanh Hiền, Chủ tịch UBND xã Ôn Lương cho biết: “Gia đình chị Nguyễn Thị Ngát thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Chị Ngát khá chậm chạp, người con trai cũng không được khỏe mạnh nên UBND xã đã có những chính sách để hỗ trợ gia đình chị”.

Tác giả: ĐÀM LINH - LÊ NGA

Nguồn tin: doisongphapluat.com

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP