Tin địa phương

Nỗi niềm làng nghề

Nhiều làng nghề truyền thống ở xã Hòa Tiến (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) như dệt chiếu Cẩm Nê, nón lá La Bông, đan lát Yến Nê từng có một thời vàng son, là niềm tự hào của người dân địa phương nhưng đến nay đã dần phai dấu...

Nghề đan lát ở Yến Nê hiện nay chỉ còn lác đác 6 hộ dân.

Dễ đến cả trăm năm nay, chiếu Cẩm Nê “nằm mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm lưng” như là một thương hiệu về nghề dệt chiếu ở đây nổi tiếng khắp nơi nơi. Bà Hoàng Thị Đào (80 tuổi) cho biết, từ năm 8 tuổi bà đã biết phụ giúp ông bà, cha mẹ phơi cói. Cói phơi đầy sân, hết chỗ thì vắt lên hàng giậu chè tàu.

Cuộc đời bà gắn bó với nghề chiếu hơn 70 năm. Sau năm 1975 là thời điểm hưng thịnh nhất của làng nghề, tiếng í ới gọi nhau pha lẫn âm thanh lách cách của khung cửi đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân làng. Chiếu Cẩm Nê không chỉ tiêu thụ trong khu vực mà khách hàng ở Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi đều biết đến. Nhiều thương lái ở xã đến gom sản phẩm, thuê xe đưa vào tận các tỉnh phía Nam bỏ mối, mang lại nguồn thu nhập cao...

Còn bây giờ, vùng nguyên liệu ngày càng cạn kiệt, khó tìm; bên cạnh đó, chiếu dệt bằng máy, chiếu nhựa công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều, giá rẻ do đó thị phần chiếu cói ngày càng khó khăn.Vì vậy, nghề chiếu Cẩm Nê đang “sống mòn” và tương lai mai một là điều đang nhìn thấy nên chỉ còn một vài hộ trong làng còn lưu luyến với nghề.

Bởi theo bà Đào, để có 1 đôi chiếu cói rộng 1,6m thì công dệt phải mất 1 ngày, tiền đầu tư 400 ngàn đồng, bao gồm mua lác nguyên liệu, phẩm nhuộm, thuê người tra sợi, lao động phụ giúp ở thời điểm nông nhàn; trong khi đó, giá trị đôi chiếu bán ra trên dưới 450 ngàn đồng, đó là chưa kể đến công sức của chính bà bỏ ra.

Những năm 90 của thế kỷ XX, ở La Bông, nhà nhà làm nón. Làm nón trở thành một phong trào rộng khắp. Những lúc nông nhàn, những buổi trưa hè lộng gió, trong nhà, ngoài đường, người người ngồi đan nón. Mỗi ngày, làng nón La Bông cho ra lò hàng trăm sản phẩm, được thương lái chuyển đi bán khắp nơi.

Bà Nguyễn Thị Đạm (78 tuổi) cho biết, khi nghề nón đang thịnh, cứ vài ba ngày bà đi bỏ mối một lần, đủ nuôi sống cả gia đình một cách sung túc...

Tìm hiểu nghề đan lát ở Yến Nê, chúng tôi nhận ra ngay tâm trạng buồn rười rượi của những nỗi niềm xưa cũ. Theo ông Nguyễn Văn Pha (65 tuổi), trước đây, nghề đan lát rất phát triển, nhất là giai đoạn 1987-2002 nên có đến hơn 90% hộ dân trong làng theo nghề. Sản phẩm chủ yếu là thúng, mủng, dần sàng, rổ, rá... được làm từ nguyên liệu tre có sẵn. Nghề đan lát tuy không giàu, nhưng ít nhất cũng đủ sống. Cứ có sản phẩm đem ra chợ là thương lái mua hết với giá khá ổn.

Bà Nguyễn Thị Hiên (58 tuổi) chia sẻ: “Sản phẩm đan lát ở đây được thương lái ưa chuộng vì chất lượng tre tốt lại đa dạng mẫu mã. Trước đây, vì làm không kịp tiến độ để bỏ hàng nên đã từng có doanh nghiệp thu mua hải sản “mặt nặng, mày nhẹ” với gia đình tôi, có thương lái còn phát khóc vì không có sản phẩm để chứa đựng hàng hóa”...

Thế nhưng, khoảng 15 năm trở lại đây, nghề đan lát ngày càng yếu thế; sản phẩm làm ra phải bán với giá rẻ mạt. Một người đan 1 ngày được 1 cặp rổ, bán được 50-70 ngàn đồng. Cả làng bây giờ, chỉ còn 6 hộ bám nghề, nhưng chỉ là nghề làm thêm của các ông già, bà lão và chị em những lúc nông nhàn. Nguy cơ mai một của làng nghề đã rõ...

Khi được hỏi về việc chính quyền địa phương có giải pháp gì về việc cải tạo và khôi phục làng nghề, chúng tôi đều nhận được những cái lắc đầu và tiếng thở dài của người dân.

Được biết chính quyền đã có đề nghị hỗ trợ cho vay vốn nhưng không hộ nào mạnh dạn nhận tiền vì vốn có mà không có lao động phụ cũng đành chịu. Có lẽ một phần do tốc độ đô thị hóa nông thôn, đầu ra cho các sản phẩm truyền thống không còn nhiều, các sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ và khó có thể cạnh tranh.

Ngoài nguyên nhân khách quan trên thì yếu tố nhân lực, hao hụt lực lượng kế thừa cũng là một trong những lý do dẫn đến các làng nghề ngày càng bị mai một. Đa số những người có tay nghề đã già, lớp thanh niên trong làng phần lớn không còn mặn mà với nghề “cha truyền con nối” nên hầu hết họ đều thoát ly quê hương và tìm một nghề khác thức thời hơn.

Vì vậy, việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống ở xã Hòa Tiến đến nay vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời giải.

Tác giả: VY HẬU

Nguồn tin: Báo Công an TP Đà Nẵng

  Từ khóa: làng nghề , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP