Xã hội

Nồi cá kho đặc biệt của làng Vũ Đại

Nói đến làng Vũ Đại xưa là nói đến mối tình Chí Phèo - Thị Nở trong tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao, ngày nay làng Vũ Đại được nhắc nhiều đến với món kho cá cổ truyền thấm đẫm hồn quê Việt.

Cá kho Đại Hoàng không còn xa lạ đối với những thực khách sành ăn, hoài cổ. Đó là món ăn truyền thống mang hơi thở của vùng quê đồng bằng chiêm trũng, được người dân Nhân Hậu, Hà Nam chế biến, lưu truyền, coi đó là đặc sản không thể thiếu trong mỗi bữa cơm sum họp gia đình và làm quà biếu cho khách quý mỗi dịp tết đến xuân về.

Cá kho làng Vũ Đại phải là loại cá trắm đen từ 4kg trở lên, thịt chắc, người thon


Cái tên "cá kho Đại Hoàng" xuất phát từ nguồn gốc xưa kia làng này gọi là Đại Hoàng, được nhà văn Nam Cao ví von là vùng đất "quần ngư tranh thực".

Quả đúng như lời nhà văn hiện thực nói, một mảnh đất nhỏ mà đâu đâu cũng thấy doanh nghiệp nọ, công ty kia nối tiếp nhau đổi mới, phát triển. Về thăm quê hương của nhà văn Nam Cao, từ xa du khách đã nghe thấy tiếng khung cửi đều đều, dồn dập, hai bên đường làng là những vườn chuối, vườn hồng xanh mướt và thoảng trong gió khói bếp lững lờ bay, phảng phất mùi cá kho thơm lừng, hấp dẫn.

Cá được đánh vẩy, làm sạch, chặt khúc đều.

Cá kho làng Vũ Đại hay còn gọi là cá kho Đại Hoàng là một trong những món ăn được truyền từ đời này sang đời khác. Trước đây món cá kho là món thường ngày của những người dân lam lũ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Có lẽ vì thế mà mâm cơm tất niên ngày cuối năm dù có bận đến mấy thì gia đình nào cũng phải có một niêu cá kho đặt cạnh chiếc bánh chưng dâng tổ tiên.

Cũng từ đấy cá kho được người dân nơi đây xem như món quà biếu lúc tết đến xuân về, có lẽ cũng từ đó món cá kho Đại Hoàng được nhiều người biết đến.

Niêu đất được nhập từ Thanh Hóa và đã xử lý, xếp tầng ở những gia đình nấu cá kho Vũ Đại


Theo bước chân của thực khách đến đặt hàng cá tết, tôi có cuộc gặp gỡ với anh Trần Công Dương là chủ cơ sở cá kho Dương Trần, xã Nhân Hậu. Theo lời giới thiệu của anh Dương, để có được một nồi cá kho Đại Hoàng, xương thịt quện vào nhau, khi ăn không phải bỏ đi tí nào, phải qua rất nhiều công đoạn tuyển chọn cá, nêm nếm hàng chục loại gia vị, niêu nấu cá, củi đun phải là củi nhãn mới giữ được hương vị và cá mới ngon…

Riềng được thái lát mỏng lót bên dưới nồi đất


Cá kho Đại Hoàng phải là loại cá trắm đen từ 4 đến 5kg trở lên, ngoài những gia vị để kho cá như: riềng, sườn lợn, kẹo đắng, nước cốt chanh… Cá kho Đại Hoàng còn có một thứ gia vị rất đặc biệt đó là nước cốt tương cua. Đây là một trong những gia vị làm cho món cá kho Đại Hoàng trở nên đặc biệt.

Anh Trần Công Dương cho biết: “Ngày xưa nghèo khổ, nước mắm khan hiếm nên các cụ mỗi khi nấu cá thường thì vào dịp gần tết, trước đó khoảng tháng 9 âm lịch đã đi mua cua đồng về giã ra rồi lấy nước cốt đó ngâm với gạo rang cho vào một chiếc vò sành. Tính đến đúng thời điểm kho cá tức là cận kề tết thì lấy ra nước cốt tương cua này đổ vào kho với cá”.

Cá được xếp ngay ngắn, ngăn nắp trong niêu đất


Niêu nấu cá cũng rất đặc biệt, khi chọn niêu không được chọn những niêu méo mó, sứt mẻ, trước khi đun còn phải luộc qua nước sôi để giữ độ bền cho niêu… Còn củi dùng để đun kho cá là củi nhãn. Đặc biệt không được cho nước lã vào. Mỗi lần kho cá từ 12 đến 14 tiếng, lửa luôn phải đều không quá to cũng không quá nhỏ đến khi niêu cá chỉ còn khoảng 1 thìa nước thì niêu cá mới thể giữ được hương vị đặc trưng của cá kho Đại Hoàng.

Cua đồng giã ra lấy nước cốt ngâm với gạo rang, cho vào một chiếc vò sành

Cá kho Đại Hoàng được người dân bán quanh năm, nhưng tất bật và bận rộn nhất vẫn là những ngày giáp tết. Người dân bắt đầu kho cá từ ngày 9 tháng Chạp và hết tháng Giêng âm lịch. Nhất là những ngày như rằm tháng Chạp, dịp tết Ông Công, Ông Táo. Những ngày này khách thập phương đổ xô về đây để đặt hàng. Mỗi một nồi cá kho có giá thấp nhất là từ 400 đến 700 nghìn đồng, đắt nhất là 1 triệu đến 1,2 triệu đồng.

Nhiều cơ sở sản xuất cá kho phải từ chối đơn đặt hàng của khách vì không thể làm kịp. Phần nhiều từ chối khách hàng vì người làm không đủ, để làm được một niêu cá kho đúng chất, phải là người có kỹ thuật, tỉ mỉ nên các cơ sở sản xuất cũng không dám “nhắm mắt” để làm cho khách.

Củi nấu cá kho Đại Hoàng bắt buộc là củi nhãn

Anh Dương chia sẻ: “Hiện nay cơ sở của tôi đang thuê 10 người nấu cá có tay nghề, dịp tết này cơ sở của tôi đã nhận được đơn đặt hàng hơn 500 niêu và đang tiếp tục nhận đơn của khách hàng từ khắp các tỉnh thành, nhiều đơn hàng ở xa như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… chúng tôi cũng giao tận nơi cho khách. Chúng tôi vẫn đang nhận được khá nhiều đơn hàng của khách trong thời gian này”.

Cá được nấu từ 12 đến 14 tiếng lửa luôn phải đều không quá to cũng không quá nhỏ đến khi niêu cá chỉ còn khoảng 1 thìa nước thì niêu cá mới thể giữ được hương vị đặc trưng của cá kho Đại Hoàng


Điều đặc biệt là cá kho Đại Hoàng dù không bỏ chất bảo quản những vẫn giữ được ít nhất từ 5 đến 10 ngày tùy vào điều kiện thời tiết. Mỗi niêu cá kho xong phải để hơn 1 tiếng và quạt cho nguội rồi mới đóng gói đưa cho khách hàng mang về.

Nhưng niêu cá bốc mùi thơm nghi ngút khắp Nhân Hậu


Giờ đây, khi tết đến xuân về, những người con làng Đại Hoàng mỗi khi nghe thấy mùi vị của cá kho đã thấy nao lòng nhớ về quê nhà, nhớ về bữa cơm tất niên đoàn tụ cùng gia đình. Không chỉ làm ấm bữa cơm tất niên của gia đình những người Đại Hoàng, cá kho Đại Hoàng còn tỏa đi khắp mọi miền của đất nước.

Tác giả: Đức Văn

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP