Báo cáo tài chính quý III của các ngân hàng bên cạnh việc cho thấy con số lợi nhuận 9 tháng đầu năm tăng mạnh thì cũng lộ ra nợ xấu tăng nhanh.
Theo đó, trong số những ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, nếu tính về tốc độ tăng số dư nợ xấu thì VietinBank tăng 34,5% lên mức 12.127 tỷ đồng chỉ trong 9 tháng đầu năm. Nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn tại nhà băng này chiếm tỷ trọng lớn nhất (72%) trong cơ cấu nợ xấu và cũng là nhóm nợ tăng mạnh nhất trong 9 tháng qua (tăng 68% lên 8.739 tỷ đồng).
Đáng ngại hơn là tại BIDV, tính tới hết quý III, số dư nợ xấu của ngân hàng đang ở mức 17.000 tỷ đồng (tăng 21,1% so với cuối năm 2017) và gần cao nhất hệ thống ngân hàng, mặc dù nếu tính về tỷ lệ thì vẫn dưới chuẩn quy định 3% của Ngân hàng Nhà nước, tức chỉ 1,76%.
Giao dịch tại một ngân hàng cổ phần ở TP HCM. Ảnh: Anh Tú. |
Tỷ lệ nợ xấu của VPBank cũng đáng báo động khi cuối quý III tăng lên 4,7% (tăng 1,31% so với con số 3,39% tại thời điểm 31/12/2017). Tính tới hết quý III/2018, số dư nợ xấu của VPBank tăng 52% so với hồi đầu năm, ở mức gần 9.400 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 61%, nợ nhóm 4 tăng 31% và nợ nhóm 5 tăng 62%.
Trong khi đó, tại Techcombank, dù ngân hàng này đã mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), về chất lượng cho vay, tổng nợ xấu của nhà băng hiện đã tăng hơn 844 tỷ đồng, lên mức 3.426 tỷ. Đặc biệt, nợ xấu tăng 33% sau 9 tháng đầu năm, trong đó, nợ nghi ngờ tăng gấp đôi và nợ có khả năng mất vốn tăng 31%. Tính chung, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng lên mức 2,05% so với 1,61% hồi đầu năm.
Tương tự, Ngân hàng Quân đội mặc dù có kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng ấn tượng, nhưng số dư nợ xấu của ngân hàng này cũng ghi nhận sự tăng vọt. Cụ thể, nợ xấu của MB sau 9 tháng đầu năm tăng đến 45% so với hồi đầu năm.
Và theo con số thống kê mới nhất của StoxPlus thì tỷ lệ nợ xấu quý III nhìn chung đang có xu hướng nhích lên so với quý trước ở 13/17 ngân hàng niêm yết.
Nguyên nhân nợ xấu của nhiều ngân hàng gia tăng thời gian qua, theo các chuyên gia có thể xuất phát từ việc các nhà băng bán những khoản nợ xấu đầu tiên sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Đến nay, đã tròn 5 năm, với những khoản không xử lý được, trái phiếu VAMC lần lượt đáo hạn và ngân hàng phải ghi nhận lại nợ xấu đã bán khiến con số nợ xấu tăng cao.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, nợ xấu tăng liên quan đến việc tăng trưởng tín dụng, vì nợ xấu có 2 cấu phần, nợ xấu cũ và nợ xấu mới. Trên thực tế, nợ xấu cũ chưa được giải quyết triệt để, mặc dù theo con số thống kê có vẻ tích cực nhưng thực ra nợ xấu vẫn tồn đọng nhiều.
Bên cạnh đó, nợ xấu mới lại phát sinh do các ngân hàng mạnh tay cho vay. Điều này thể hiện qua việc mới trong 2 quý đầu năm, nhiều ngân hàng đã dùng hết room (hạn mức) tín dụng được giao. Việc tăng trưởng tín dụng thường mang lại kết quả kinh doanh tốt vì 80% lợi nhuận của ngân hàng phụ thuộc vào tín dụng, nhưng ở chiều ngược lại, đây lại là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu gia tăng.
Mặt khác, hiện nay đang diễn ra một thực tế là các ngân hàng cho vay thường chỉ dựa vào tài sản đảm bảo mà không chú trọng đến khả năng tài chính và dòng tiền của khách hàng. Theo đó, các nhà băng cứ mạnh tay cho vay theo tỷ lệ 70 - 80% giá trị bất động sản và không quan tâm đến dòng tiền giải ngân có đi đúng mục đích không. Điều này sẽ rất nguy hiểm vì sau này ngân hàng không quản lý được dòng tiền kinh doanh, dẫn đến mất khả năng thu hồi nợ, nợ xấu gia tăng.
Tiến sĩ Bùi Quang Tín cũng phân tích, nguồn lợi nhuận mà các ngân hàng thu về thời gian qua còn do chi phí hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro giảm mạnh, thu hồi nợ tăng.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, tín dụng của Việt Nam đã ở mức khoảng 135% GDP, tiến gần tới mức của thời kỳ bất ổn trước đó và có thể dẫn tới rủi ro đối với cân đối tài chính của hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, việc chạy theo tăng trưởng tín dụng đang rất "nhạy cảm" trong thời điểm này. Đó là chưa kể, nếu đẩy mạnh tín dụng thiếu kiểm soát, vòng luẩn quẩn nợ xấu sẽ xuất hiện trong vài năm tới.
Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải dự đoán, từ năm 2019, vấn đề nợ xấu có thể sẽ lại là bài toán cho các ngân hàng sau thời gian vừa qua tăng trưởng tín dụng tương đối "nóng", bên cạnh những tác động bất ổn từ thị trường tài chính thế giới.
Bản thân Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, hiện còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc cần sự chung sức, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương để đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu.
Theo đó, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã ban hành loạt văn bản gửi các tổ tức tín dụng thực hiện nhiều giải pháp để xử lý nợ xấu. Đồng thời, Thống đốc cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực đôn đốc, chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, nhà quản lý cũng gửi văn bản đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phối hợp trong triển khai thực hiện Nghị quyết 42.
Tác giả: Lệ Chi
Nguồn tin: Báo VnExpress