Kinh tế

“Nợ công tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ các giới hạn”

“Ngay cả với các điều kiện kinh tế tài chính hiện tại, việc đảm bảo duy trì các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cũng là thách thức nếu tiếp tục duy trì các chỉ tiêu huy động vốn vay Chính phủ, hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ như giai đoạn 2011-2015”, theo Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính.

Nợ bảo lãnh chính phủ tăng 50% mỗi năm

Bản dự thảo lần 1 đề án “Chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước (NSNN), quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững” do Vụ Ngân sách Nhà nước soạn thảo đã được gửi lấy ý kiến các đơn vị liên quan.

Số liệu tại dự thảo đề án này cho thấy, sau khi có Luật nợ công, giai đoạn 2011-2015, tổng huy động vốn vay nợ công đã lên tới 2,48 triệu tỷ đồng. Bình quân mỗi năm, nợ công ở mức 496 nghìn tỷ đồng. Tốc độ gia tăng nợ công bình quân ở mức 16%/năm.


Nợ công đang gia tăng với tốc độ nhanh chóng

Giai đoạn này, vay của Chính phủ lên tới 1,93 triệu tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với giai đoạn trước với tốc độ tăng bình quân 19%/năm. Tuy nhiên, theo khẳng định của Vụ Ngân sách Nhà nước thì “vay nợ của Chính phủ đã tuân thủ theo nguyên tắc chỉ sử dụng để bù đắp bội chi cho mục đích phát triển, không sử dụng cho tiêu dùng”.

Đáng chú ý, tổng trị giá vốn vay được bảo lãnh Chính phủ đạt 489 nghìn tỷ đồng, có xu hướng tăng nhanh, bình quân gần 50%/năm, trong đó bảo lãnh vay nước ngoài khoảng 46%. Tính đến cuối 2015, tổng trị giá cấp bảo lãnh nước ngoài trên 16,1 tỷ USD, tương đương 339 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân gần 50%/năm do mở rộng phạm vi đối tượng và tăng quy mô cấp bảo lãnh.

Lũy kế đến 31/12/2015, tổng số dự án vay trong nước được cấp bảo lãnh là 26 khoản vay, chủ yếu thuộc lĩnh vực điện (8 dự án chiếm 68% tổng giá trị vốn bảo lãnh) và dầu khí (7 dự án chiếm 24%).

Do bảo lãnh tăng mạnh nên chỉ trong năm 2015, Thủ tướng đã phải ban hành Chỉ thị 02 vào ngày 14//2015 và Quyết định 34 vào ngày 14/8/2015 về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ.

Bản dự thảo đề án đánh giá, mặc dù nợ công tăng cao nhưng về cơ bản, các chỉ tiêu nợ công luôn trong giới hạn quy định, chỉ riêng chi tiêu nợ Chính phủ năm 2015 so với GDP vượt giới hạn cho phép (0,3% GDP) chủ yếu là do GDP thực tế theo giá hiện hành năm 2015 giảm mạnh.

Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ giá theo hướng giảm giá trị VND để ứng phó với điều chỉnh chính sách tiền tệ của các nước như Trung Quốc và kích thích xuất khẩu hàng hóa cũng làm tăng giá trị nợ bằng ngoại tệ khi quy đổi sang VND.

Cơ quan soạn thảo cũng thừa nhận tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ các giới hạn nợ. Cụ thể, do các chỉ số nợ đã tiệm cận các giới hạn quy định, trong khi các điều kiện kinh tế xã hội biến động khó lường, nên rủi ro phá vỡ các giới hạn nợ cao.

“Ngay cả với các điều kiện kinh tế tài chính hiện tại, việc đảm bảo duy trì các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cũng là thách thức nếu tiếp tục duy trì các chỉ tiêu huy động vốn vay Chính phủ, hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ như giai đoạn 2011-2015”, bản dự thảo Đề án đánh giá.

Kế hoạch vay 2,26 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020

Về rủi ro tỷ giá, diễn biến cơ cấu loại tiền vay trong danh mục nợ công của Việt Nam cho thấy, tỷ lệ vay bằng VND đang tăng lên đáng kể trong thời qua từ 18% năm 2001 lên 55% vào cuối năm 2015, góp phần kiềm rủi ro về tỷ giá. Tuy nhiên, danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn tập trung vào 3 loại tiền chủ đạo là USD, JPY và EUR (chiếm tỷ lệ lần lượt 44%, 32% và 17% dư nợ bằng ngoại tệ của Chính phủ đến cuối 2015) là những đồng tiền có biến động lớn.

Cơ quan soạn thảo đề án tỏ ra lo ngại, trường hợp các ngoại tệ này tiếp tục biến động bất lợi trong tương lai và/hoặc NHNN điều chỉnh mạnh tỷ giá VND trong điều hành chính sách tiền tệ, sẽ làm tăng chi phí trả nợ và giá trị danh nghĩa của các khoản nợ nước ngoài quy theo VND, tác động tới các giới hạn nợ.

Theo kế hoạch của Chính phủ, quy mô vay giai đoạn 2016-2020 khoảng 2,26 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 8,13% GDP, bình quân khoảng 450.000 tỷ đồng/năm. Năm 2020 là năm có mức huy động cao nhất lên tới 540 nghìn tỷ đồng. Đây là mức huy động được cho là “cao và rất khó khả thi trong điều hành”.

Trong đó, chủ yếu là để trả nợ gốc vay đến hạn, chiếm đến 47,4% nhu cầu; 42,4% trong số trên là bù đắp bội chi NSNN (cho chi đầu tư phát triển) và cho vay lại khoảng 10,2%.

“Trường hợp phát sinh các rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động thu NSNN (như giá dầu giảm mạnh), qua đó không đảm bảo bố trí nguồn chi trả nợ như dự kiến (khoảng 1,5 triệu tỷ đồng trong 5 năm), nhu cầu vay mới của Chính phủ để thanh toán nợ gốc đến hạn có thể cao hơn mức trên”, bản dự thảo đề án cho biết.

Căn cứ vào danh mục nợ của Chính phủ hiện hành và kế hoạch vay của Chính phủ, dự kiến tổng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ giai đoạn 2016-2020 xấp xỉ 2 triệu tỷ đồng, khoảng 6,44% GDP.

Trong đó, bố trí trong dự toán NSNN để trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, Quỹ Tích lũy trả nợ và các đơn vị nhận vay trực tiếp trả nợ khoảng 165 nghìn tỷ đồng, vay mới để trả một phần nợ gốc đến hạn khoảng 330 nghìn tỷ đồng.

Trần nợ công giai đoạn 2016-2020 vẫn là 65% nhưng trần nợ Chính phủ so với GDP được nâng lên 55% so với mức 50% hiện nay.

Tác giả bài viết: Bích Diệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP