Nghiện mua sắm
Thẻ tín dụng sẽ là hung thần với những ai nghiện mua sắm bởi đặc điểm "tiêu trước trả sau". Mở thẻ hạn mức 30 triệu đồng nhưng chỉ sau hai tháng chị Phương đã dùng hết số tiền này. Do mua sắm quá tay nên chị cũng chưa thanh toán được hết toàn bộ dư nợ trong kỳ đầu tiên. "Trước tôi cứ mua đến khi hết tiền, nay vì thấy hạn mức thoải mái nên không kiểm soát được. Nay chồng tôi quyết không cho dùng thẻ tín dụng nữa", chị Phương kể. Thực tế, chồng chị đã nhiều lần cảnh báo chị là tín đồ mua sắm, không nên mở thẻ tín dụng nhưng vì có cô bạn làm ngân hàng nài nỉ nên lại tặc lưỡi mở.
Thẻ tín dụng không dành cho những người bất cẩn và quá nghiện mua sắm. Ảnh: AFP.
Theo các chuyên gia ngân hàng, thẻ tín dụng rất kinh tế vì có thể được ân hạn lãi suất tới 45 ngày. Tuy nhiên, điều này chỉ ý nghĩa với những người thực sự biết sử dụng. Vị này khuyên, khách hàng cần đảm bảo chi trả được toàn bộ dư nợ trong một kỳ sao kê thay vì chỉ trả mức thanh toán tối thiểu. Do đó, nếu số tiền tiêu bằng thẻ vượt quá ngân sách chi tiêu và khả năng chi trả, bạn sẽ rơi vào cảnh nợ lại ngân hàng với lãi suất rất cao, từ 20-25% một năm.
Hay quên
Với thẻ tín dụng, người sử dụng cần lưu ý hai thời điểm quan trọng, ngày lên sao kê và ngày đến hạn thanh toán. Nếu đến ngày phải thanh toán, dù bạn nộp vào ngân hàng thiếu một vài nghìn lẻ, bạn vẫn bị coi là còn nợ. Không ít trường hợp bị nhảy nhóm nợ xấu vì bị lãng quên chưa đóng vài chục nghìn đồng.
Bên cạnh đó, thẻ tín dụng cũng hoàn toàn khác với thẻ ATM. Thay vì phải nhập mã PIN để thanh toán như thẻ ATM, chủ thẻ tín dụng chỉ cần quẹt vào máy POS là được chấp nhận thanh toán. Do đó, nếu có tính hay quên, giữ gìn thẻ không cẩn thận, bạn hoàn toàn có thể là nạn nhân bị lấy cắp tiền trong tài khoản bất cứ lúc nào.
Bất cẩn
Với thẻ tín dụng, bạn dễ dàng tiêu tiền (đi vay của ngân hàng) nhưng cũng cực dễ dàng để mất tiền nếu để lộ thông tin thẻ hoặc mất thẻ. Một khách hàng tại TP HCM gần đây vừa bị mất thẻ tín dụng tại bể bơi mà không hề hay biết. Khi đi bơi, anh cất ví tiền vào trong tủ gửi đồ và đến khi ra về, ví vẫn còn nên không hề biết thẻ đã mất. Chỉ đến khi đang ngồi nhà vào buổi tối, điện thoại báo tin nhắn có hai giao dịch bằng thẻ tín dụng được thanh toán tại một cửa hàng điện thoại di động với số tiền gần 40 triệu đồng, anh mới tá hoả.
Tương tự, hàng loạt trường hợp khác chủ thẻ tín dụng đã vô tình để lộ thông tin thẻ trong những lần thanh toán tại nhà hàng. Chị Ngọc (Đà Nẵng) khi dùng bữa tại nhà hàng thường xuyên có thói quen ngồi tại bàn và đưa thẻ tín dụng cho nhân viên mang vào quầy quẹt.
Khác với thẻ nội địa, khi sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán trực tuyến, hệ thống chỉ yêu cầu nhập họ tên chủ thẻ, số thẻ thời hạn hiệu lực và mã xác thực thẻ (CVV). Tất cả các thông tin này đều được in ở mặt trước và mặt sau của thẻ. Do đó, kẻ gian đã lợi dụng lúc chị bất cẩn, chụp ảnh lại mặt trước mặt sau thẻ để lấy thông tin và thực hiện mua hàng online.
Tác giả bài viết: Thanh Thanh Lan