Kinh tế

Những mô hình mở hướng thoát nghèo cho nông dân

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đang là hướng đi mới mở hướng thoát nghèo cho nông dân Nghi Lộc. Đây được xem là bước bứt phá trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Nuôi vịt trời trên vùng đất bỏ hoang

Đập Bàu Dưng tại xóm 3 xã Nghi Kiều hôm nay đã trở nên trù phú với trang trại chăn nuôi vịt trời với quy mô 2 nghìn con của anh Nguyễn Kế Sỹ, ít ai nghĩ vùng đất này trước đây được bỏ hoang nhiều năm.

Đàn vịt trời gần 2.000 con của anh Sỹ phát triển trên vùng đất bị bỏ hoang
Bắt tay vào làm kinh tế, anh Nguyễn Kế Sỹ tiên phong nhận 0,5ha đất từ chủ trương chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị 08 của Tỉnh uỷ Nghệ An. Vùng đất Bàu Dưng là thuộc diện đất khó giao của xã. Qua tìm hiểu thị trường, anh nhận thấy thị hiếu người tiêu dùng rất thích các thứ đặc sản, mới, lạ, do đó, anh đã cải tạo ao hồ, đầu tư xây dựng chuồng trại, lặn lội ra Bắc Giang tìm mua con giống vịt trời về nuôi. Ban đầu anh mua 250 con giống, với giá 50.000 đồng/con.
Lứa vịt chuẩn bị xuất bán
Qua hơn một năm, đàn vịt trời thích nghi khá tốt với môi trường tự nhiên và điều kiện khí hậu ở vùng đất Nghi Kiều. Vì vậy, đàn vịt sinh trưởng và phát triển rất nhanh. Những lứa đầu tiên, anh không bán mà vịt đẻ trứng nào anh giành lại để ấp và nhen nhóm dần để gây đàn, cứ thế quay vòng, qua 3 năm chăn nuôi đến nay, tổng đàn vịt trời trong trang trại của anh Sỹ lên gần 2 ngàn con. Trọng lượng mỗi con vịt trung bình từ 1 đến 1,5 kg/con. Theo giá bán tại chuồng mỗi con từ 130-150 ngàn đồng/con. Sau khi trừ chi phí, nhân công mỗi năm anh thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Điều mà anh Sỹ thấy vui mừng là mô hình của mình đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương, tìm ra hướng chăn nuôi mới trên địa bàn. Hiện nay đã có rất nhiều hộ dân đến tham quan học tập mô hình. Trong đó, có 3 hộ anh đã cung cấp nguồn giống vịt trời con.

Anh Sỹ chăm sóc đàn vịt con 20 ngày tuổi
Trên đà thành công, Anh Sỹ có dự định sẽ cung cấp con giống cho thị trường trong và ngoài huyện. Anh chia sẻ: Chẳng có vùng đất khó, chỉ có con người chưa chịu khó lao động mà thôi. Quan trọng nhất là phải tìm được hướng đi đúng, cộng thêm vào đó là phải thật sự đam mê, quyết tâm và chịu khó. Có như vậy thì mới có thể thành công được.

Thành công bước đầu từ trang trại nuôi vịt trời của anh Nguyễn Kế Sỹ sẽ là hướng đi mới để bà con nghèo tại địa phương tận dụng những thế mạnh, tiềm năng vốn có của mình học hỏi làm giàu.

Trồng thanh long trên đồng đất

Cũng chung niềm đam mê, chịu khó, tìm hướng thoát nghèo, làm giàu ngay trên chính quê hương, anh Nguyễn Văn Dũng ở xóm 9, xã Nghi Phương (Nghi Lộc) đã gây dựng và phát triển vườn cây thanh long với 1.200 gốc, nay đang vào mùa chín rộ.

Vườn thanh long với 1.200 gốc đang mùa chín rộ của anh Dũng
Anh Dũng cho biết: Năm 2014, sau khi địa phương có chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công, anh loay hoay tìm hướng xây dựng mô hình mới. Tình cờ trong một chuyến đi thăm bạn ở Bình Thuận, được giới thiệu về mô hình thanh long anh đã rất thích thú, tìm hiểu về cây trồng này và triển khai trồng trên đồng đất quê mình.

Để sản phẩm làm ra vừa ngon vừa đảm bảo chất lượng, vừa tăng hiệu quả cây trồng, anh mày mò tìm hiểu qua đài, sách báo, về kỹ thuật trồng. Với diện tích 3ha, anh bố trí trồng 1.200 gốc. Ðể trồng thanh long cần dựng trụ bê tông, mỗi trụ cao 2,3m, phần nổi trên mặt đất cao 1,6m cho cây mọc, tỏa nhánh xuống xung quanh. Khoảng cách hàng cách hàng, cây cách cây 2,5m, bảo đảm cho cây được nhận đủ nguồn dinh dưỡng, ánh sáng mặt trời. Chỉ sau hơn 1năm trồng, cây đã ra những quả bói đầu tiên, nhưng từ năm thứ 2 trở đi bắt đầu ổn định về năng suất.

Thương lái đến mua tại vườn mua thanh long của anh Dũng
Điểm vượt trội của cây Thanh long là chịu hạn tốt nên rất phù hợp với sự biến đổi khí hậu hiện nay. Loại cây này ít sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc chỉ cần bón gốc bằng phân chuồng và đảm bảo đủ ánh sáng. Mỗi cây thanh long cho thu hoạch khoảng 15- 20 kg quả, mỗi vụ cho thu hoạch trên 6 đợt, kéo dài từ tháng 6 đến hết năm, cứ 20 ngày lại cho thu hoạch 1 lần. Tổng gần 1.200 gốc thanh long, mỗi năm cho thu hoạch hơn 9 tấn, với giá bán tại ruộng 25.000 đồng/kg. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, nhân công anh còn thu về được hơn 250 triệu đồng. Điều đặc biệt là cây thanh long có tuổi đời khá dài, khoảng 20 năm mới phải trồng lại cây mới.

Thanh long được trồng ở đồng đất Nghi Phương có vị ngọt đậm, mát, màu sắc hấp dẫn, nên được khách hàng ưa chuộng. Do đó, các buôn lái khắp nơi như: Nghi Hưng, Nghi Mỹ, Nghi Đồng, Nghi Lâm, Thị Trấn Quán Hành tìm đến tận ruộng để mua, gia đình anh không phải lo lắng về đầu ra cho sản phẩm.

Với giá bán tại ruộng 25.000 đồng/kg, mỗi năm anh Dũng lãi hơn 250 triệu đồng
Từ hiệu quả kinh tế mang lại, mô hình trồng thanh long của gia đình Anh Dũng đã mở ra cho người dân nơi đây một hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao giá trị sản xuất nhằm thích ứng biến đổi khí hậu trong giai đoạn.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Nghi Lộc cơ bản hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, được xem là mục tiêu quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế của địa phương hiện nay. Ông Nguyễn Xuân Quang - Trưởng phòng Nông nghiệp&phát triển nông thôn huyện cho biết: Huyện tiếp tục xây dựng, quy hoạch vùng chuyên canh tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa. Chuyển những vùng đất 2 lúa kém hiệu quả sang trồng những cây con có giá trị kinh tế cao như dưa hấu, hành tăm, rau màu, nghệ. Tập trung xây dựng nhiều mô hình liên kết trong sản xuất, chăn nuôi. Tạo mọi điều kiện tập huấn khoa học kỹ thuật mới cho nông dân. Quan tâm xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại quy mô lớn, liên kết đầu ra ổn định cho nông dân”

Tác giả bài viết: Thu Hiền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP