Giới trẻ

Những mẩu chuyện nhỏ ấm tình người giúp sưởi ấm trái tim bạn giữa ngày giá lạnh

Nếu bạn cảm thấy có chút mệt mỏi, thấy trái tim vơi đi phần nào nhiệt huyết, tình yêu thương và đức hy sinh... hãy dành vài phút, đọc bài viết này để tin rằng, dẫu thế giới ngoài kia có ra sao thì cuộc đời này luôn luôn là như thế, lúc nào cũng có những điều tốt đẹp hiện diện xung quanh ta.

Hà Nội đang mùa cuối đông với tiết trời lạnh buốt. Mỗi sáng dậy, mở cửa ra là thấy gió lạnh tràn về, đem theo cái rét thấm sâu vào da thịt. Vượt qua một quãng đường tắc nghẽn, đến khi ngồi vào văn phòng, mở các trang báo lên, người ta lại thấy trước mắt mình hiện lên không ít tin tức tiêu cực. Trong những ngày mùa đông như thế, trái tim con người ta cảm giác như cũng bị lạnh và dễ chai sạn cảm xúc hơn.

Tôi đã từng đọc được ở đâu đó câu nói rằng, bí mật khiến bạn hạnh phúc hơn chính là ngừng so sánh cuộc sống của mình với người khác và hạn chế đọc, nghe, xem những tin tức tiêu cực. Nếu một lúc nào đó bạn cảm thấy có đôi chút mệt mỏi, thấy trái tim mình vơi đi phần nào nhiệt huyết, tình yêu thương và đức hy sinh… hãy dành vài phút, đọc bài viết này, điểm lại những câu chuyện tốt đẹp nho nhỏ trong cuộc sống để tin rằng, dẫu thế giới ngoài kia có ra sao thì cuộc đời này luôn luôn là như thế, lúc nào cũng có những điều tốt đẹp hiện diện xung quanh ta.

Bác bảo vệ được 2.000 học sinh cúi đầu chào hỏi mỗi ngày

Hồi cuối tháng 9, dư luận cả nước xôn xao về hành động nhỏ nhưng vô cùng đáng yêu của các em học sinh trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP. HCM): chủ động cúi đầu chào người bảo vệ lớn tuổi trước khi bước vào cánh cổng trường.

Bác Lũy - người được hơn 2.000 học sinh cúi chào mỗi ngày.

Người được học sinh yêu mến là bác Nguyễn Văn Lũy, 71 tuổi, trực trước cổng trường mỗi buổi sáng/chiều hàng ngày. Công việc của bác không có điểm gì quá đặc biệt, bác cũng không phải là thầy, cô trực tiếp truyền dạy kiến thức, kinh nghiệm sống cho học trò nhưng các em học sinh ở đây, vẫn luôn một lòng kính trọng bác, coi cử chỉ chào hỏi là điều bắt buộc phải làm. Có lúc vội quá, các em còn cúi chào bác từ xa rồi chạy thằng một mạch vào lớp. Ai chưa chào bác, dường như cảm thấy chưa yên lòng vì cho rằng, mình chưa làm xong một thủ tục cần thiết.

Bác Lũy bảo, nhiều năm qua, bác đã quen với việc được 2.000 học sinh cúi chào mỗi ngày. Trường đông học sinh, nên dù có được các em chào hỏi, đôi khi bác cũng không thể nhớ hết, chỉ biết rằng, đó là niềm vui nhỏ bé, bù đắp lại sự vất vả bấy lâu nay. Khi được học sinh chào hỏi, bao giờ người bảo vệ 71 tuổi ấy cũng cúi đầu đáp lẽ thân thiện với học trò.

Bác Lũy cúi chào lại học sinh.

“Đó cũng là điều bác cảm thấy tự hào vì học sinh ở ngôi trường mình đang làm việc”, bác Lũy nói. Được cúi chào với bác không chỉ là niềm hạnh phúc cá nhân mà xa hơn, bác vui vì thấy lớp trẻ mình tiếp xúc, đều là những người biết trước, biết sau, sống chân tình, trọn vẹn từ những điều giản dị nhất.

Chuyện về cậu bé nghèo Sài Gòn xếp dép trong buổi đi dã ngoại

Nếu nói những đứa trẻ đang theo học ở trường chuyên Lê Hồng Phong được hưởng nền giáo dục toàn diện nên những hành động kính trọng người lớn tuổi như thế là đương nhiên thì có lẽ mọi người đã sai. Cách đây không lâu, câu chuyện về cậu bé nghèo nhặt ve chai Nguyễn Danh Thành Đạt xếp gọn gàng đôi dép của cô giáo và các bạn trong đoàn dã ngoại ở TP.HCM đã từng khiến hàng triệu trái tim cùng xúc động biết bao.

“Thiên thần trong chiếc áo quá khổ” - Thành Đạt xếp dép cho những người em không biết tên…

5 tuổi, không được tới trường, mặc bộ quần áo nhăn nheo sờn rách, chân đi đôi dép cũ mèm, đầu đội mũ rộng quá khổ, song hành động của cậu bé khiến nhiều người lớn phải giật mình và thốt lên: “Cậu bé nghèo đáng yêu quá”.

Em làm việc đó như một thói quen, cho đi mà không cần nhận về. Trong thế giới bé nhỏ của Đạt, em chỉ biết những đôi dép để lộn xộn cần phải được sắp xếp sao cho gọn gàng lại. Cử nhỉ thật nhỏ ấy nhưng lại nói lên quá nhiều điều về em: một tâm hồn bé nhỏ nhưng trong sáng, lương thiện và vô cùng đáng trân quý.

Thiên thần trong chiếc áo quá khổ” - Thành Đạt có cơ hội đến trường.

Sự tử tế, dù nhỏ tới thế nào, không bao giờ là lãng phí và câu chuyện của cậu bé xếp dép khiến nhiều người nhớ đến câu danh ngôn nổi tiếng: “Hãy bảo vệ thật kỹ lưỡng kho báu trong bạn, lòng tốt. Hãy biết cách cho mà không do dự, biết cách mất mà không hối tiếc, biết cách đạt được mà không ác ý”.

Và câu chuyện ấy còn đẹp hơn khi sau ngày Đạt “nổi tiếng” trên mạnh, em đã được một số nhà hảo tâm biết đến và giúp đỡ. Họ phát hiện em bị bệnh suy dinh dưỡng nặng và đã tích cực hỗ trợ điều trị cho cậu bé. Chỉ sau 15 ngày, một phép màu kỳ diệu đã đến: em tăng lên được 0,4kg và cao thêm 1,9cm.

Bây giờ cuộc sống của mẹ con Đạt đã có nhiều thay đổi. Họ chuyển đến chỗ trọ mới, mẹ Đạt cũng thay đổi SĐT cũ. Cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng, cả hai bắt đầu lại với những niềm vui mới. Câu chuyện xếp dép có thể lúc nào đó sẽ bị mọi người tạm quên đi để nhớ những chuyện mới nhưng chắc chắn, với sự giáo dục tốt, trái tim em Đạt sẽ còn mang theo sự trong sáng, thiện tâm đi đến hết cuộc đời.

Bác bảo vệ dân phòng 3 năm bị ung thư vẫn “trung thành” với nghiệp dắt học sinh qua đường

Mắc bệnh ung thư phổi đã 3 năm nhưng ngày ngày, bác Chiến (SN 1966) vẫn cùng 2 người bạn là bác Lăng (SN 1960) và bác Quang (SN 1952) đảm nhận trọng trách dẫn học sinh trường Tiểu học Trung Sơn Trầm (Sơn Tây, Hà Nội) băng qua đường.

Buổi sáng mùa đông lạnh buốt, nhiệt độ có lúc dưới 10 độ C hay lúc chiều hạ nắng cháy, có khi mưa rào ồ ạt, các bác đều không quên nhiệm vụ: đứng đó và chờ đợi học sinh. Khi các em còn chưa tới, các bác đã ở đó. Lúc các em ra về, vội vã với nhiều dự định ở nhà thì 3 người đàn ông trung niên kia, luôn là người đứng dõi theo với nụ cười hạnh phúc.

Ngôi trường có tới hơn 1.000 học sinh nên 3 bác bảo vệ không thể nhớ mặt từng em nhưng chắc chắn, các em sẽ còn nhớ họ - những người đã một thời, dìu dắt từng bước chân băng qua làn xe chạy.

Có lần bác Chiến đang làm nhiệm vụ, một bé trai không nghe lệnh chỉ huy, nóng lòng chạy ra với bà nội nên suýt bị xe tải cán qua. Chứng kiến cảnh tượng ấy, bác Chiến vội chạy đến, ôm chầm để che chắn cho cháu bé rồi cả 2 cùng ngã xuống vệ đường nhưng rất may là họ đều thoát khỏi làn xe chạy.

Con đường chạy qua cổng trường Trung Sơn Trầm đã thi công từ 12 năm nay nhưng vẫn chưa hoàn thành. Đường sá bụi bay mù mịt, đầy rẫy ổ gà lồi lõm. Đã thế, trục đường lại toàn xe tải hặng nặng đi qua. Bác Chiến nhẩm tính, chỉ trong khoảng 1 năm, từ 2015 đến 2016, quanh đoạn đường qua trường Tiểu học này đã có 4-5 người chết vì tai nạn giao thông.

Giống nhưu ai đó đã từng nói: “Sự thiên tâm và chân thành rồi sẽ nảy nở thành phép màu. Điều kỳ diệu được khởi nguồn từ những hành động nhỏ nhưng chân thành”.

Vì thế, công việc đưa trẻ qua đường rất nguy hiểm. Mỗi tháng, 3 bác chỉ nhận khoản hỗ trợ 1,5 triệu đồng. Bác Chiến nhẩm tính, mỗi giờ làm việc chỉ được trả 15 ngàn đồng. Kinh tế gia đình bác mấy năm nay gân fnhuw kiệt quệ vì lo điều trị ung thư. Vậy mà bác Chiến vẫn vui vẻ nghĩ rằng, giá mà, chúng ta cứ sống hồn nhiên như những đứa trẻ, luôn cho đi một cách vô tư nhất, biết đâu sẽ thấy hạnh phúc hơn?

Giống như bác Chiến vẫn tâm niệm: “Con người sống đôi khi phụ thuộc vào hoàn cảnh, nhưng có thành người tốt hay không, lựa chọn làm điều gì có ý nghĩa… lại là quyết định riêng của mỗi người”.

“Nếu tất cả việc các bác làm, từ chuyện cứu cậu bé thoát khỏi xe tải hay ngày ngày cố gắng làm tròn trách nhiệm…. chỉ vì lương tâm mình thì sẽ luôn được vui vẻ còn nếu cho đó là công việc chỉ vì 15 ngàn đồng thì mệt mỏi, buồn chán lắm”.

Bác Chiến có lẽ cũng là một trong số ít người có suy nghĩ nhân hậu rằng: “Đối với bác, hạnh phúc đơn giản chỉ là buổi sáng bác đi ra chợ, có người cảm ơn bác vì nhớ ra nhờ có bác đưa con qua đường, họ có thể yên tâm ngồi bán hàng mà không phải sấp ngửa chạy ra chỉ để đón con đi bộ vài trăm mét”.

Sự ghi nhận của cộng đồng chính là phần thưởng lớn nhất mà bác nhận được. Điều đơn giản ấy cũng đã tiếp lửa cho bác để 3 năm qua, bác vui vẻ sống cùng ung thư và ngày ngày, cần mẫn với “nghiệp” đưa các em học sinh qua đường.

Tác giả: Vương Phi

Nguồn tin: saostar.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP