Giáo dục

Những khoảng trống thầy Văn Như Cương để lại

Thần chết đưa được thầy ra khỏi thế giới này theo luật tử sinh cõi thế, nhưng không lấp đầy được khoảng trống thầy để lại.

Gần 20 năm dạy Văn ở trường Lương Thế Vinh, cô giáo Trịnh Thu Tuyết đã có nhiều kỷ niệm với thầy Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị của trường.

Chúng ta hết thảy đều vô danh khi đến và đi khỏi cuộc đời này, chỉ khác nhau là có những sự vô danh vô nghĩa và những sự vô danh có ý nghĩa. Thầy Văn Như Cương là trường hợp thứ hai, sự ra đi của thầy tạo ra một khoảng trống không nhỏ cho cuộc đời, cho giáo dục.

Tôi gặp thầy cách đây 17 năm, khi lần đầu tới xin việc ở trường Lương Thế Vinh. Tôi đã thực sự ấn tượng trước cách nói chuyện giản dị, hóm hỉnh, thân tình và nhất là ánh mắt rất tinh sắc của thầy. Lúc đó, nghe nhiều về "tầm vóc" của ngôi trường dân lập đầu tiên trong cả nước kể từ sau năm 1975, tôi tới gặp thầy và nghĩ chắc sẽ phải qua những vòng khảo sát ngặt nghèo. Nhưng tôi ngạc nhiên vì cách thầy nhận lời không cần bất kỳ một thứ đơn từ, bằng cấp, hồ sơ hay lý lịch... Cũng không có dự giờ, dạy thử, chỉ vài câu chuyện bên tách trà.

Nhiều khi tôi cứ nghĩ có vẻ không khiêm tốn lắm, phải chăng chính ánh mắt tinh sắc của thầy đã nhìn thấy chút gì đó để tin một giáo viên vô danh như tôi? Và chính niềm tin ấy đã giữ cho tôi sự gắn bó thủy chung với trường suốt gần 20 năm qua, ngay cả khi đã tới tuổi vơi đi rất nhiều sức lực và không còn quá nặng nề về cuộc sống mưu sinh.

Từ kỷ niệm về cách tuyển giáo viên của thầy, tôi hay nghĩ về chữ "thật" trong cuộc sống, trong giáo dục, trong nghề nghiệp. Hãy nhìn nhận, đánh giá con người với năng lực, tâm hồn hay trí tuệ của họ từ những giá trị thực, cái thực không cần son phấn, tô vẽ, sắp xếp hay tạo dựng. Đó là điều dễ nói mà khó làm trong một thực tế xô bồ thực ảo, một thực tế ngập tràn sự cám dỗ của kim tiền và bằng cấp.

Tôi đã giới thiệu nối tiếp rất nhiều giáo viên tới thử sức, nhiều người dè dặt hỏi tôi những thủ tục vào trường. Nhớ lại lần gặp thầy đầu tiên, tôi khẳng định: "Hãy tới gặp thầy với hai bàn tay không và kèm theo niềm tin vào khả năng tự mình đứng được ở trường".

Gần 20 năm, tôi chưa bao giờ thấy thầy đặt ra một cách nặng nề những yêu cầu mang tính chất hành chính, thường rất khó tránh với giáo viên như sổ sách, giáo án, dự giờ... Nhưng qua giao tiếp, tôi nhận thấy thầy hiểu rất rõ từng giáo viên.

Một trong những quan điểm giáo dục rất nhân văn và thực tế, thầy đã tạo dựng cho trường thương hiệu "Hiệu quả giáo dục phải do chính đối tượng giáo dục đánh giá năng lực hay phẩm chất thầy cô ra sao, không nên dừng lại ở những sổ sách vô hồn, hay dự một giờ đã được chuẩn bị cả tháng cho bài biểu diễn 45 phút. Năng lực và phẩm chất ấy, hãy để cho học trò tự đánh giá. Học trò luôn công minh, tinh tường và nhất là không biết nói dối".

Dù là phó giáo sư hình học nhưng thầy có hiểu biết tinh tế và thấu đáo về văn chương. Khi ra đề thi thử đại học cho Lương Thế Vinh, nhiều lần tôi gặp những ý kiến trái chiều, trong đó có ý kiến khiến tôi ngạc nhiên. (Trong cuộc sống, chúng ta nhiều khi bối rối vì phải dùng những điều hiển nhiên tới sơ đẳng để phản biện lại những ý kiến biết chắc là không đúng). Khi ấy, thầy lại trở thành người thẩm định cuối cùng với một nhận xét giản dị và ngay lập tức giải tỏa mọi băn khoăn của người hỏi, bối rối của người nghe.

Những năm qua, rất nhiều lần tôi được thầy chia sẻ quan điểm về văn chương, giáo dục, thế sự và tất cả vấn đề nóng bỏng nhất của cuộc sống xã hội. Tôi luôn ngạc nhiên và cảm phục trước sự thông tuệ và tâm huyết của thầy - người có sự nhạy cảm sâu sắc trước mọi nóng lạnh của thế sự, sự nhạy cảm không chỉ cần trí tuệ mà còn cần tấm lòng ưu thời mẫn thế với đời, với người.

Những lời nhắn nhủ của thầy Văn Như Cương với học sinh.

Những câu nói của thầy đã thành slogan trên bạt ngàn trang báo; những chủ đề thầy đề cập tới trong các bài diễn văn khai trường đã trở thành cảm hứng cho nhiều đề văn nghị luận xã hội không chỉ giới hạn trong trường Lương Thế Vinh; những câu chuyện vui của thầy đã được truyền bá thành giai thoại...

Ở thầy, ngoài trí tuệ và tâm huyết, không thể không nhắc tới tấm lòng, điều còn lại khá hiếm hoi của ngày hôm nay. Chắc chắn đó sẽ là điều được nhiều thế hệ giáo viên và học trò chia sẻ. Riêng tôi, còn nhớ cách đây mấy năm, sau khi phải nghỉ cả năm học vì lý do sức khỏe, tôi trở lại dạy một lớp 12 ở trường. Một hôm đang ngồi trong phòng hội đồng, thầy bước vào, chào mọi người xong và đi rất nhanh về phía tôi. Thầy ngồi xuống, hỏi tôi những câu rất cụ thể, chi tiết về sức khỏe. Tôi cảm nhận được sự ân cần, nhân hậu trong ánh mắt và lời nói giản dị ấy. Tôi càng cảm động vì biết lúc ấy thầy cũng đang mang bệnh.

Hoặc có lần, tôi và gia đình gặp vận hạn, những vận hạn nhiều khi như một thứ phễu lọc ân tình, không ít người vui vẻ thân thiết lúc thường ngày, khi đó lại e dè thiết lập một khoảng cách an toàn. Lúc ấy, thầy tới ngồi nói chuyện, chia sẻ thân tình và cảm thông khiến tôi tin hơn vào những tiêu chí xác định giá trị đích thực của con người. Nhớ ánh mắt thầy lấp lánh hóm hỉnh khi nhắc tới thần chết, tôi nghĩ thần chết đưa được thầy ra khỏi thế giới này theo luật tử sinh cõi thế, nhưng ông ta không lấp đầy được khoảng trống thầy để lại.

Khoảng trống nói với cả thần chết và những người đang sống rằng, có một sự vô danh đã đi qua cuộc đời này, đã tồn tại nơi đây với trọn vẹn ý nghĩa, như một tia lửa đã cháy và sáng tới tận cùng.

0h27 ngày 9/10, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), qua đời sau ba năm chống chọi với bệnh ung thư gan, hưởng thọ 80 tuổi. Sinh ra trong một gia đình nhà giáo ở Nghệ An, thầy Cương từng công tác tại Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh, là tiến sĩ toán học, phó giáo sư, chủ biên của hơn 60 đầu sách liên quan đến Toán.

Thầy Cương thành lập trường THPT Lương Thế Vinh năm 1989, là trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam kể từ năm 1975. Không chỉ là nhà giáo, nhà quản lý, thầy còn được biết đến với tài văn thơ, khả năng truyền lửa cho các thế hệ học trò và những phản biện sắc sảo trước các vấn đề nóng của giáo dục.

Lễ viếng thầy Văn Như Cương được tổ chức tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng số 5 Trần Thánh Tông lúc 10h30 ngày 12/10. Di hài thầy sẽ được đưa về Đài hóa thân hoàn vũ ở Văn Điển chiều cùng ngày.

Tác giả: Trịnh Thu Tuyết

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP