Xe

Những khác biệt cần biết giữa xe hơi số sàn và số tự động

Tài xế lái xe số sàn bằng hai chân nhưng với xe số tự động chỉ dùng một chân để an toàn trong mọi tình huống.

Với những tài xế mới thậm chí tài xế lâu năm nhưng chỉ chạy một loại xe số sàn hoặc số tự động, khi ngồi lên chiếc còn lại có thể lóng ngóng. Để lái xe an toàn, mọi tài xế cần nắm rõ sự khác biệt cơ bản giữa hai loại xe này.

Số sàn có chân côn, số tự động thì không


Điểm khác biệt cơ bản để tạo nên xe chạy số sàn và số tự động nằm ở chân côn. Đây là bộ phận để ngắt kết nối giữa trục sơ cấp và thứ cấp của hộp số, giúp tài xế sang số. Trên xe số sàn, cần ngắt côn để sang số.

Nhưng trên xe số tự động, bộ phận này được thiết kế "tự động", tức tài xế không cần sử dụng, vì thế chân côn cũng biến mất. Xe chỉ còn chân phanh và chân ga.

Tóm lại, xe số sàn có 3 bàn đạp, xe số tự động chỉ có 2 bàn đạp. Trên một số xe tự động, ở vị trí chân côn, hãng đặt bàn đạp phanh đỗ (phanh tay).

Số sàn lái bằng hai chân, số tự động lái bằng một chân

Với số sàn: chân trái đạp côn, chân phải đạp phanh và ga.


Với số tự động: chân phải đạp phanh và ga. Chân trái không sử dụng.

Một số tài xế chạy xe số sàn quen nên mang khi ngồi lên xe số tự động cũng điều khiển bằng hai chân với chân trái phanh, chân phải côn. Chuyên gia lái xe an toàn của các hãng đều cho biết đây là cách lái sai, vì khi có tình huống khẩn cấp, tài xế đạp cả hai chân sẽ khiến xe khó dừng hơn.

Lái xe số tự động bằng hai chân chỉ dùng cho tay đua hoặc những người chuyên chạy off-road để tận dụng sức kéo của động cơ.

Chuyển số

Với xe số sàn, tài xế tự chuyển số từ thấp lên cao 1, 2, 3... hoặc từ cao xuống thấp 6, 5, 4...


Xe số tự động, tài xế chỉ việc đạp ga, xe tự lên, xuống số khi đạt tốc độ phù hợp. Để tăng an toàn khi đổ đèo cũng như tăng cảm hứng vận hành, xe số tự động hiện nay thường có thêm chức năng số thể thao hay còn gọi là số tay (+/-) hoặc các số thấp như D3, 2, 1, L. Tài xế chuyển cần số theo ý muốn ở tốc độ phù hợp.

Vị trí P trên xe số tự động


Chỉ xe số tự động có vị trí P để đỗ, xe số sàn không có chức năng này. Khi gạt cần số tự động về P, trong hộp số sẽ có một bánh răng cóc giữ cho hộp số không quay, tức xe không thể lăn bánh.

Trên xe số sàn, khi đỗ ở dốc cao, để đề phòng, ngoài kéo phanh tay, chèn bánh, tài xế đẩy cần số về số chạy (1, 2, 3...) chứ không để ở N. Nếu xe trôi hộp số cũng giữ lại.

Thiết kế cần số


Cần số sàn thường chỉ có một kiểu với các vị trí đẩy số như trong ảnh trên. Nhưng với xe số tự động, do liên kết điện tử với hộp số nên các hãng thoải mái sáng tạo những hình thức và vị trí khác nhau cho cần số. Có thể dạng cần như số sàn, có thể dạng tròn như trong ảnh. Có thể ở bậu trung tâm, có thể gắn trên vô-lăng hoặc bảng táp-lô.

Bản số sàn rẻ hơn bản số tự động


Tại Việt Nam, cùng một xe với động cơ như nhau, bản số sàn thường rẻ hơn bản số tự động. Ngoài khác nhau về hộp số, phiên bản số tự động thường trang bị nhiều tiện nghi và công nghệ an toàn hơn so với số sàn.

Tác giả bài viết: Minh Hy

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP