Kinh tế

Những hệ luỵ khủng khiếp của Tết âm lịch: Sớm có lộ trình gộp vào Tết dương lịch

Từ những hệ lụy của Tết âm lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng cần sớm có lộ trình gộp Tết âm lịch vào Tết dương lịch.

Sau bài báo trên báo điện tử VTC News “Muốn kinh tế hội nhập, cần bỏ Tết Âm lịch”, dư luận đã tranh cãi gay gắt về việc liệu Tết Nguyên đán có phải là nguyên nhân khiến kinh tế trì trệ và có nên gộp Tết âm lịch và Tết dương lịch. Phóng viên báo điện tử VTC News xin giới thiệu ý kiến của một số chuyên gia kinh tế và doanh nhân.

TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý chính sách kinh tế Trung ương

TS Lê Đăng Doanh

Sau Tết Nguyên đán, cả lãnh đạo Hà Nội và Tp.HCM đều quyết liệt chỉ đạo người lao động phải sớm quay về với công việc, không chúc Tết, thăm viếng tràn lan. Báo chí cũng đưa tin tỷ lệ công nhân quay về làm việc khá cao.

Tuy nhiên hiện nay, vẫn chưa có thống kê chính thức về việc này nên khó có thể đánh giá liệu Tết có thể ảnh hưởng tới thái độ làm việc, năng suất làm việc của người lao động không. Nhưng có thể nhận thấy trong dịp Tết năm nay, các ca tai nạn giao thông, đánh nhau do bia rượu vẫn nhiều.

Tôi nghĩ, chúng ta cần có những thống kê cẩn thận về các vấn đề liên quan đến Tết xem Tết ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa như thế nào. Phải có số liệu chứ không đánh giá cảm quan được. Nếu ảnh hưởng nhiều thì nên tính đến phương án gộp Tết ta vào Tết tây như Nhật Bản. Nhưng phải có phương án cực kỳ cẩn thận và tỉ mỉ.

Bà Phạm Chi Lan – nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Trả lời trên Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Lan đánh giá sau kỳ Noel tết Tây, gần như tháng 1 Tây nhiều người không làm việc được bao nhiêu bởi các nơi tổng kết sơ kết rồi chuẩn bị cho Tết ta. Sau Tết ta, lại phải mất hơn 1 tuần, thậm chí là lâu hơn, tức là qua Rằm tháng Giêng thì nhiều nơi mới thực sự quay lại guồng làm việc.

Như vậy, một nước còn nghèo, năng suất lao động còn rất thấp như Việt Nam mà lại nghỉ nhiều hoặc làm việc với một nhịp độ thấp như vậy thì rất khó cho việc phát triển. Vì vậy, bà Lan cho rằng cần sớm có lộ trình gộp Tết ta vào Tết Tây.



Bà Hoàng Hà - Công ty CP Hội chợ triển lãm và thương mại điện tử Pacific

Tết là dịp cả gia đình quây quần bên nhau. Phong tục tốt đẹp này theo người Việt

Bà Hoàng Hà

Nam cả hàng ngàn năm nay. Những điều tuyệt vời của Tết thì ai cũng cảm nhận được rồi, có lẽ tôi không cần nhắc lại nữa.

Nhưng với tư cách là một doanh nhân, tôi nhận thấy Tết Nguyên đán, đặc biệt những kỳ nghỉ Tết kéo dài như Tết Bính Thân 2016 có nhiều ảnh hưởng không tốt tới doanh nghiệp nói chung và công ty tôi nói riêng.



Sau Tết, không ít người lao động chây ì, uể oải dẫn đến làm việc kém hiệu quả. Chưa kể, người Việt chúng ta luôn có quan niệm tháng Giêng là tháng ăn chơi nên họ dùng thời gian công sở để đi thăm viếng, chúc tụng nhau. Rồi còn lễ chùa nữa.

Công ty tôi có hoạt động xuất nhập khẩu – nghĩa là chúng tôi phải giao dịch với đối tác nước ngoài. Đối tác không ăn Tết Nguyên đán nên khi chúng ta nghỉ ngơi, họ vẫn làm việc. Như vậy, các hợp đồng kinh tế sẽ bị trì hoãn, dẫn đến chậm tiến độ và thiệt hại kinh tế.

Gần đây, có ý kiến cho rằng nên gộp Tết âm lịch vào Tết dương lịch. Tôi đồng ý với quan điểm này nhưng tôi mong muốn khi “gộp Tết”, chúng ta vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa. Nhưng việc này chắc sẽ mất rất nhiều thời gian.

Vì vậy, khi vẫn ăn Tết âm lịch, tôi mong chúng ta đừng nghỉ quá dài, chỉ nghỉ ngơi vừa đủ thôi. Đừng lãng phí thời gian cho việc nghỉ Tết quá nhiều. Theo tôi, chỉ nghỉ khoảng 5 ngày là đủ.

Ông Nguyễn Mạnh Huỳnh – Công ty cổ phần Trần Dương Đồng Tiến

Chúng ta có phong tục ăn Tết âm lịch. Trước đây, kỳ nghỉ Tết tương đối ngắn nhưng năm nay kéo dài tới 9 ngày. Cũng như mọi vấn đề khác, Tết cũng có 2 mặt trái ngược. Nghỉ Tết quá lâu, các doanh nghiệp sản xuất có thể bị đình trệ nhưng lại là cơ hội cho ngành bán lẻ, du lịch, giải trí,...

Trong những ngày đầu tiên đi làm sau Tết, người dân Hà Nội vẫn tấp nập tới các điểm vui chơi, giải trí. Ảnh: Bảo Linh

Xét ở khía cạnh khác, nghỉ Tết sẽ ảnh hưởng đến ngoại thương. Những công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu có thể bỏ lỡ không ít cơ hội vì đối tác ngoại không nghỉ Tết.

Chúng ta có thể trao đổi công việc ở nhà không cần phải tới văn phòng nhưng nếu ngân hàng nghỉ, chúng ta không thể thanh toán cho đối tác được.

Vì vậy, xét về mặt lý thuyết, Tết âm lịch nên được rút ngắn lại hoặc gộp vào Tết dương lịch. Nhưng đó chỉ là lý thuyết. Thực tế, trong những ngày đó, nếu ép buộc, có khi chẳng có nhân viên nào chịu đi làm vì ăn Tết là điều gì đó thiêng liêng, đã đi sâu vào tâm trí người Việt Nam.

Tôi thấy bây giờ không cần phải trả lời câu hỏi nên hay không nên mà tin rằng đây là điều gần như không thể thực hiện được dù nó mang lại những lợi ích nhất định về mặt kinh tế.

Tác giả bài viết: Bảo Linh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP