Theo chị Anh Thư, chủ vườn lan rừng tại huyện Gia Lâm (Hà Nội), mới tung hàng ra mấy hôm nay nhưng giò lan Đai Châu "khủng" nhất (có 7 cành đang chuẩn bị ra hoa đúng vào dịp Tết Nguyên đán) đã được khách mua với giá 45 triệu đồng. Dự kiến 25 âm, khách đến xem hàng sẽ tăng đột biến.
Chị Thư cũng cho biết, khách chơi lan rừng thường là những người đứng tuổi trở lên, vì người chơi lan chủ yếu phải biết thưởng thức và dành nhiều thời gian cho lan. Và hơn hết, đối tượng khách hàng này cũng có điều kiện kinh tế để có thể chơi. Cũng có một vài bạn trẻ đến xem nhưng thú chơi này một là chỉ dành cho những người thực sự đam mê và hai là đại gia.
“Khách đến xem mà thực sự có thiện chí lấy thì có thể giảm tối đa 5 triệu đồng tùy giò, coi như giảm chút chi phí vận chuyển cho khách hàng", chị Thư cho biết.
Nhưng, giống lan này phụ thuộc rất nhiều nhiệt độ, thời tiết nên phải có lưới che. Năm nay thời tiết khá nóng nên lan rừng dễ bị nở sớm, ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh.
Theo anh Minh, các loại lan rừng càng ngày càng khan hiếm vì khai thác nhiều, giống cây mang về nếu không biết chăm sẽ rất dễ chết, vì thế người chơi lan phải có kiến thức và am hiểu. Giá trị của lan rừng là vô cùng lớn, vì nó có vẻ đẹp tự nhiên, thuần khiết. Nếu gặp những giò lan ưng ý thì người yêu lan như mình sẽ không tiếc tiền để mua.
"Thị trường năm nay cũng khá đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, người có ít chơi ít, người có nhiều chơi nhiều. Chơi lan không phụ thuộc nhiều vào giá trị vật chất mà ở cái hứng của người chơi. Giò lan đôi trăm mà mình tự chăm sóc ra hoa đúng dịp Tết cũng là chơi, mà chơi gốc lan mấy chục triệu cũng là chơi. Mỗi kiểu lại có 1 cái thú riêng của nó", anh Minh chia sẻ.
Tác giả bài viết: Thế Hưng
Nguồn tin: