“Má cứ yên tâm lên vai con cõng”!
Một ngày Chủ nhật tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp ghé ngang qua trụ sở Công an xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Tp.Đà Nẵng.
Nơi trụ sở khang trang, phía ngoài, một nhóm cán bộ công an sắn tay áo căng lên từng khẩu hiệu chào mừng Quốc khánh 2/9, nhóm khác treo cổ Tổ quốc phất phới bay. Bên ngoài khí thế, bên trong trụ sở cũng xôm tụ không kém. Xen lẫn bóng dáng những cán bộ công an là người dân chờ làm thủ tục căn cước công dân.
“Cẩn thận! Từ từ thôi Dũng ơi!”, giọng Thiếu tá Lê Văn Hai, Trưởng Công an xã vang lên từ phía cổng khiến mọi người đổ dồn chú ý. Dứt lời, từ trên xe công vụ, một chàng sĩ quan công an trẻ dìu đỡ rồi cõng một cụ bà từ từ vào trụ sở.
Như hiểu được ánh mắt lạ lẫm của chúng tôi, Thiếu tá Hai cười chia sẻ: “Ấy là Trung úy Nguyễn Tiến Dũng, Cảnh sát khu vực đang hỗ trợ, đưa cụ bà về trụ sở để làm căn cước công dân”.
Theo lời vị Trưởng Công an xã Hòa Sơn, thực hiện chỉ đạo của Công an Tp.Đà Nẵng và Công an huyện Hòa Vang, cấp xã đang đẩy nhanh tiến độ làm căn cước công dân cho người trên địa bàn.
Thời gian qua, gần như hầu hết người dân đã làm và nhận căn cước công dân. Duy chỉ còn lại một số ít đó là những người già yếu, người đau ốm, người khó khăn trong đi lại. Họ chưa thể đến cơ quan chức năng để làm căn cước công dân.
Những hình ảnh cán bộ Công an xã Hòa Sơn cõng người dân già yếu đi làm căn cước công dân gây xúc động, mến yêu trong dư luận. |
Thấu hiểu điều đó, Ban Chỉ huy Công an xã Hòa Sơn đã cắt cử lực lượng đến tận nhà phát thông báo làm căn cước công dân cho mọi người.
Qua đó, các cán bộ công an trẻ nắm bắt thêm các trường hợp người dân già yếu, đau ốm hay khó khăn trong đi lại để hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Cũng chính việc làm thiết thực này đã tạo nên những hình ảnh, nghĩa cử đẹp về tình công an – nhân dân.
“Mấy chú ở xa đến mới thấy lần đầu chứ người dân chúng tôi đây vốn quen thuộc với chuyện này rồi. Chuyện các chú cảnh sát khu vực chở người tàn tật, cõng cụ già ốm yếu đi làm căn cước khiến ai ai cũng cảm mến”, một cụ bà đang chờ làm thủ tục chia sẻ.
Quen thuộc là bởi, ngoài hình ảnh Trung úy Dũng mà chúng tôi bắt gặp thì mới đây thôi câu chuyện Trung úy Phan Khánh vận động chở các cụ già ở thôn Đại La, rồi Đại úy Tạ Ngọc Anh cõng cụ Nguyễn Thị Nhỏ, SN 1937 đi làm căn cước công dân đã nhận được sự mến thương của dư luận.
Theo đó, trong các ngày 31/7 và 1/8 vừa qua, khi Công an xã Hòa Sơn tiến hành làm căn cước công dân cho người dân trên địa bàn xã thì đúng ngay thời điểm nắng nóng nên người dân, đặc biệt là các cụ già đi lại rất khó khăn.
Cá biệt như trường hợp của cụ Nhỏ, nghĩ mình ở tuổi “cổ lai hy” cũng chẳng đi đâu khỏi nhà, lại thêm phần nắng nóng nên cụ không muốn làm căn cước công dân.
Sau khi nắm bắt được thông tin này, để đảm bảo quyền lợi cho người dân, các cán bộ công an trẻ đã báo cáo Ban Chỉ huy Công an xã rồi cùng đồng đội đã đến gặp và động viên cụ Nhỏ.
“Lúc đầu cụ Nhỏ còn e ngại, cụ sợ mình già yếu rồi sẽ phiền đến mọi người. Bằng tinh thần trách nhiệm, anh em khuyên bảo cụ: “Má cứ yên tâm lên vai con cõng”, thế là anh em chở và cõng cụ đến trụ sở công an xã để làm căn cước công dân”, Đại úy Ngọc Anh chia sẻ.
Chính từ chuyện bình dị ấy mới có những hình ảnh đẹp đầy xúc động đối với người dân. Hình ảnh người cán bộ công an trẻ “đội nắng” cõng cụ bà đi làm căn cước công dân thực sự lan tỏa nhiều xúc cảm, nhiều người không khỏi cảm mến cũng đã chụp hình đăng lên mạng xã hội để lan tỏa nghĩa cử cao đẹp.
Những mệnh lệnh từ trái tim
Nói về tình cảm tốt đẹp giữa công an và người dân nơi Hòa Sơn, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện thấm đẫm tình người mà người dân xứ này truyền tai nhau. Đặc biệt là thời điểm dịch Covid-19 còn hoành hành.
Nhiều tấm gương sáng như Thượng úy Phạm Đình Hoàng lặn lội đêm hôm chở sản phụ đến bệnh viện để kịp thời sinh nở, rồi lại lặn lội tìm mua sữa cho đứa con nhỏ 4 tháng tuổi của chị Nguyễn Thị Thường.
Rồi đến chuyện những cán bộ, chiến sĩ trẻ Công an xã Hòa Sơn như Phan Khánh, Trần Phương Hoài Linh, Phan Thanh Tùng… ngày đi trực chốt, ban đêm cùng nhau lên đường tránh Nam Hải Vân hỗ trợ bà con di chuyển từ miền Nam về quê tránh dịch. Dẫu chỉ là chai nước suối, ổ bánh mỳ chia đôi hay là dẫn đường cũng trở nên quý giá giữa lúc dịch dã.
Lực lượng công an – nhân dân xã Hòa Sơn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong công việc, cuộc sống. |
Ông Nguyễn Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn vẫn còn bồi hồi khi nhớ lại những ngày tháng các lực lượng phòng chống dịch Covid-19 của xã lặn lội khắp chốn, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao độ. Đặc biệt trong đó, không thể không kể đến lực lượng công an xã.
“Nhiều anh em tham gia hỗ trợ dẫn đoàn, tiếp sức bà con miền Nam về quê tránh dịch kể rằng nhìn cảnh người dân chạy xe máy mệt lả, nhìn những đứa trẻ còn đỏ hỏn theo ba mẹ hồi hương thấy thương, thấy xót vô cùng. Anh em hỗ trợ bằng mọi khả năng có thể, hết sức, hết mình. Có thể gọi đó là mệnh lệnh từ trái tim, những cán bộ công an trẻ làm bằng cả trái tim để giúp đỡ người dân.
Nay dịch dã đã ổn định hơn và những câu chuyện ý nghĩa, đẹp đẽ góp phần lan tỏa tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh thuở đó vẫn được người người kể cho nhau nghe để nhớ, để thương. Rồi bây giờ, đến chuyện cán bộ công an giúp dân làm căn cước công dân, hay chuyện phòng chống tội phạm, ổn định an ninh vẫn rất tốt đẹp, thắm tình quân dân”, vị lãnh đạo xã Hòa Sơn chia sẻ.
Rời xã Hòa Sơn cũng là lúc bóng chiều phủ kín chân đồi. Xã nông thôn mới đang đổi thay từng ngày. Từ chỗ người dân còn khó khăn trong đời sống kinh tế, từ chỗ vị trí địa lý rộng lớn khó quản lý, Hòa Sơn phát triển mạnh mẽ hòa vào công cuộc “thay da đổi thịt” của đất nước.
Quốc khánh 2/9 năm nay, cờ hoa rực rỡ, người người phấn khởi. Để có sự đổi thay đó, ngoài chủ trương, lãnh đạo của địa phương thì còn đến từ sự đoàn kết, đồng lòng và cả nghĩa tình.
Tác giả: Lê Nhâm Thân
Nguồn tin: nguoiduatin.vn