Xã hội

Những câu chuyện đau lòng trong nước lũ

Không khí lạnh kết hợp áp thấp nhiệt đới đã trút một lượng mưa kỷ lục xuống miền Bắc và miền Trung những ngày qua đã gây những tổn thất nặng nề về người và của.

Bữa cơm cuối cùng của trưởng xóm bị vùi lấp khi giúp dân sơ tán

Chị Đinh Thị Lân, vợ anh Hức khóc nghẹn ngóng tin chồng

Trong vụ sạt lở ở xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, Hòa Bình, trưởng xóm Khanh, Đinh Công Hức, đã bị vùi lấp trong lúc đi vận động người dân sơ tán khỏi vùng mưa lũ nguy hiểm...

Trong căn nhà nhỏ nằm giữa ngã ba đường, nơi cách điểm sạt lở khoảng 500m, chị Đinh Thị Lân (1983) vợ anh ngồi thất thần giữa sàn nhà. Mắt chị ngấn lệ nhìn ra phía người chồng đang bị nằm vùi trong đống đất hoang lạnh sau trận sạt lở kinh hoàng rạng sáng qua.

Người phụ nữ gắng gượng, tựa lưng vào tường nhà để ngóng tin chồng từ đoàn cứu hộ. Ngồi nép bên chị là cậu con trai Đinh Công Tuấn (10 tuổi) mắt đượm buồn, nhìn vô định về phía người cha đang bị vùi lấp, cháu còn quá nhỏ để hiểu được những mất mát đang ập đến gia đình nhỏ.

Trong nỗi đau tê dại, chị Lân kể: “Chồng tôi làm cán bộ thôn gần 20 năm nay, quanh năm quần quật với việc làng, việc nước. Sáng anh ấy đi sớm, chiều tối mới về. Mọi việc anh làm đều vì dân làng, từ việc nhỏ đến việc lớn đều đến tay”.

“Thi thoảng hai vợ chồng ngồi cạnh nhau bên mâm cơm, anh nói buồn khi không cho tôi và các con cuộc sống sung túc hơn, muốn gia đình không còn lam lũ vất vả. Chưa kịp thực hiện những dự định, anh đã bỏ mẹ con tôi mà đi” - chị Lân khóc nghẹn.

Anh Hức bị vùi trong nghìn mét khối đất, bỏ lại chị Lân và hai cậu con trai (con lớn 14 tuổi, bé 10 tuổi).

“Tôi đã nhiều lần nhắc nhở chồng làm gì cũng phải cẩn thận giữ mình. Lần nào anh ấy cũng động viên rằng không sao đâu, anh biết cách lo cho bản thân”- chị Lân nói trong nước mắt.

Bên góc nhà, bà Bùi Thị Lưng (60 tuổi), mẹ đẻ của trưởng thôn Hức khóc thương cho đứa con trai xấu số. Lòng người mẹ đau quặn khi vừa mới tối qua còn cùng con ăn bữa cơm rồi nói đủ chuyện, bỗng phút chốc nhận tin dữ con mình đang bị vùi sâu trong đất sỏi.

“Trước khi lên đường vào xóm, nó chỉ nói ngắn gọn với tôi là mấy ngày nay mưa nhiều, sợ nước thác đổ mạnh nên phải vào giúp bà con sơ tán đồ đạc, lương thực” - bà Lưng kể lại lần cuối chia tay con.

Con trai Đinh Công Tuấn lặng lẽ khi biết tin cha gặp nạn

Dù cố nuôi hy vọng nhưng cả bà Lưng lẫn chị Lân đều đang dần chấp nhận sự thật là anh Hức sẽ không thể trở về với gia đình. Mọi thứ đến chóng vánh, không ai biết trước ngày mai sẽ phải làm gì khi mất đi anh Hức.

“Giờ tôi không biết phải làm gì nữa, cũng không biết thời gian tới cả nhà sẽ sống thế nào, cả nhà đều một tay anh ấy gồng gánh, giờ mẹ con tôi bơ vơ quá” - chị Lân nói trong tuyệt vọng.

Với người dân nơi thôn nghèo, anh Hức được ví như ông ‘bố’ của cả thôn, công việc xóm làng đều có bàn tay của anh.

Bà Bùi Thị Inh (63 tuổi) buồn bã: “Anh Hức sống tình cảm, gần gũi mọi người lắm. Giờ anh ấy mà không về nữa thì coi như chúng tôi mất đi ông bố tinh thần”.

Gạt nước mắt, bà Inh chỉ tay về phía móng nhà văn hóa thôn đang xây dở, đây là công trình tâm huyết bao nhiêu năm mà anh Hức vận động, làm thủ tục để xây cho bà con một nơi sinh hoạt cộng đồng. Không ai ngờ, mới tổ chức lễ động thổ cách đây mấy ngày mà nay anh đã “lành ít, dữ nhiều”.

Lũ lụt, lũ lụt ở Hòa Bình, mưa lũ, sạt lở ở Hòa Bình, ngập lụt ở Hòa Bình, trưởng xóm Khanh

Theo lời kể của người dân xóm Khanh, đây chẳng phải lần đầu tiên anh Hức vào vận động bà con sơ tán khỏi vùng sạt lở.

“Mỗi lần mưa lũ, tôi đều thấy anh Hức không ngại khổ vào tận từng nhà trong xóm vận động bà con đến nơi an toàn, tránh khỏi dòng thác dữ. Có lẽ đêm qua là lần cuối cùng anh ấy được làm công việc ấy” - một người dân chia sẻ.

Chết đứng nhìn 4.000 con lợn chết trong nước lũ

Xác lợn nổi trắng cả trang trại

Anh Lê Xuân Trung, một bác sĩ đang làm việc tại BV Nhi Thanh Hóa, là người đăng tải những bức ảnh lợn chết nổi hàng loạt do cơn lũ.

Anh Trung kể, những bức ảnh trên do bạn anh chụp.

“Trang trại này là của tư nhân, nằm trên đất của trại giam số 5 thuộc nông trường Thống nhất, huyện Yên Định, không phải là trang trại của trại giam số 5 như một số nơi thông tin”, anh Trung cho biết.

Khi nước lũ tràn về, mặc dù chính quyền địa phương cùng các cán bộ trại giam ra giúp trang trại di chuyển lợn nhưng không thể kịp.

Ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định xác nhận, trang trại lợn trên nông trường Thống nhất bị nước lũ làm chết hàng nghìn con.

Ông Lâm cho biết, hôm qua ở huyện mưa to, cộng với việc nước lũ dâng cao nên nhiều nơi bị ngập, nước lên rất nhanh.

Khu vực trang trại ngoài đê sông Hép bị ngập sâu từ 1,5–2 m. Sau khi nhận được thông tin, chính quyền huyện và người dân địa phương cùng cán bộ trại giam đã tích cực ứng cứu nhưng bất lực.

“Do nước lên nhanh, chúng tôi cũng chỉ kịp cứu được khoảng 100 con lợn, còn lại mắc kẹt và chết hết. Chúng tôi đang chờ nước rút để cùng với chủ trang trại có phương án mang số lợn chết đi tiêu hủy”, ông Lâm cho biết.

Sang nhà vợ sắp cưới trong đêm, nam thanh niên bị nước lũ cuốn trôi

Gia đình tổ chức mai táng cho anh Nghĩa

Chiều tối 12/10, UBND xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, đã phát hiện được nam thanh niên mất tích trong đêm từ 3 ngày trước.

Theo đó, vào khoảng 19h ngày 9/10, anh Lê Văn Vinh (29 tuổi, ở xóm 12, xã Quỳnh Giang) trên đường sang nhà vợ sắp cưới ở xã Quỳnh Hồng (huyện Quỳnh Lưu).

Tuy nhiên, khoảng một giờ sau đó, vợ sắp cưới gọi điện báo tin chưa thấy anh Vinh đến, trong khi điện thoại bị mất liên lạc. Ngay sau đó, hai bên gia đình tổ chức đi tìm kiếm nhưng vẫn không thấy người và xe máy ở đâu.

Đến sáng 12/10, người dân bàng hoàng phát hiện thi thể nạn nhân đang phân hủy tại ao cá cách nhà vợ sắp cưới 300m. Nhiều người dự đoán, vào thời điểm đó anh Vinh bị nước lũ cuốn trôi xuống ao, do không có người đi qua ứng cứu nên nạn nhân đã tử vong.

Cũng vào chiều 12/10, ông Nguyễn Văn Phượng, Chủ tịch UBND xã Nam Trung, huyện Nam Đàn (Nghệ An) cho biết, trên địa bàn vừa có một vụ đuối nước thương tâm.

Trước đó, vào khoảng 15h cùng ngày, anh Nguyễn Duy Nghĩa (37 tuổi, trú xóm 10, xã Nam Trung) rủ em Hồ Văn Tân (16 tuổi) cùng chèo thuyền đi thả lưới ở sông Lam.

Bất ngờ, chiếc thuyền bị lật khiến hai anh em rơi xuống sông. Thấy vậy, người dân địa phương lập tức chạy đến ứng cứu. Tuy nhiên, mọi người chỉ cứu được em Tân, còn nạn nhân Nghĩa khi tìm thấy thì đã tử vong.

Tại một diễn biến khác, chiều 12/10, bà Vang Thị Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thái, huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã phát hiện thi thể bị nước lũ cuốn trôi.

Theo thông tin ban đầu, vào ngày 10/10, ông Tô Văn Cường (41 tuổi, tạm trú tại xã Tam Thái) đưa thịt lợn vào xã Tam Hợp, huyện Tương Dương để bán, tuy nhiên sau đó không thấy trở về.

Đến sáng 12/10, thi thể của ông Cường được phát hiện cách cầu tràn Xoóng Con khoảng 1km. Nhiều người suy đoán nạn nhân khi đi qua cầu tràn đã bị nước cuốn trôi. Hiện thi thể nạn nhân đã được bàn giao cho gia đình mai táng theo phong tục địa phương.

46 người chết, 33 người mất tích do mưa lũ

Thống kê của Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đến 17h ngày 12/10 cho biết mưa lũ, sạt lở đất đã làm chết 46 người, mất tích 33 người và bị thương 30 người.

Trong số 46 người chết Hòa Bình có 19 người, Thanh Hóa 8 người, Nghệ An 6 người, Sơn La 6 người, Yên Bái 6 người, Quảng Trị 1 người.

Trong số 33 người mất tích Hòa Bình có 14, Yên Bái 12 người, Thanh Hóa 3 người, Sơn La 2 người, Nghệ An 1 người, Hà Nam 1 người.

Bên cạnh đó có 30 người bị thương ở: Yên Bái 10 người, Hòa Bình 8 người, Thái Bình 3 người, Nam Định 3 người, Sơn La 3 người, Hà Nam 2 người, Thanh Hóa 1 người.

Về tài sản, mưa lũ làm sập 317 nhà; hư hỏng, tốc mái 1.216 nhà; ngập 33.348 nhà; hư hại 83.862 ha hoa màu, thủy sản; sập 26 cầu ; chết 44.877 gia súc, gia cầm.

Các địa phương, cơ quan liên quan đã huy động 14.211 bộ đội, dân quân, lực lượng khác và 303 phương tiện khắc phục hậu quả. Kết quả đã di dời được 11.534 hộ, cứu được 10 người bị cô lập, gia cố được 1.200m đê, vận chuyển được 17 tấn gạo.

Về vụ 2 cán bộ của đồn Biên phòng Yên Khương, Thanh Hóa bị lũ cuốn trôi, mất tích lúc 18h45 ngày 10-10, trong ngày 12-10 lực lượng cứu nạn đã huy động 290 người tìm kiếm nhưng chưa có kết quả.

Ngày 12-10, Bộ Quốc phòng đã có công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ triển khai các biện pháp ứng phó với mưa, lũ, cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ và khắc phục hậu quả.

Trước diễn biến phức tạp của mưa, lũ, Bộ tư lệnh Quân khu 3 đã thiết lập Sở chỉ huy phía trước ở Tân Lạc, Hòa Bình; Bộ tư lệnh Quân khu 4 thiết lập Sở chỉ huy phía trước ở TP Thanh Hóa; Bộ tư lệnh Thủ đô thiết lập Sở Chỉ huy phía trước Chương Mỹ để chỉ đạo kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ.

Theo Tuổi trẻ

Tác giả: K.N

Nguồn tin: giadinh.net.vn

  Từ khóa: chuyện đau lòng , nước lũ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP