Cán bộ kiểm ngân Eximbank rút hơn 48 tỷ đồng của 6 khách đại gia
Nguyễn Thị Lam trước lúc tới cơ quan công an đầu thú.
Gây xôn xao dư luận hiện nay là vụ việc của Nguyễn Thị Lam, cán bộ kiểm ngân thuộc Phòng giao dịch huyện Đô Lương, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank chi nhánh thành phố Vinh (Nghệ An), từ tháng 4/2016 đến nay đã nhiều lần giả mạo chữ ký, lập hồ sơ khống, đề nghị khách hàng ký khống vào các giấy rút tiền. Sau đó Lam tự điền thông tin rút tiền của khách hàng đang gửi trong ngân hàng với số tiền chiếm đoạt hơn 40 tỷ đồng, trong đó có nạn nhân lên tới cả chục tỷ đồng.
Lam cho biết tốt nghiệp Cao đẳng kinh tế tại Nghệ An về công tác tại Phòng giao dịch huyện Đô Lương. Sau 5 năm làm việc, Lam quen nhiều khách hàng giàu có và chèo kéo gửi tiền vào chi nhánh của mình, hứa hẹn trả lãi 8-12% một năm trong khi mức quy định của ngân hàng thấp hơn nhiều, có thời điểm chỉ 4-5%.
Tin tưởng nữ cán bộ ngân hàng nhiệt huyết, nhiều khách hàng đã tới nhà riêng của Lam ký hồ sơ mà không tới ngân hàng. Sau đó, sổ tiết kiệm được Lam giao tận tay cho họ. Khi có nhiều khách hàng thân tín, Lam bắt đầu thực hiện kế hoạch chiếm đoạt tài sản. Cảnh sát cáo buộc, Lam nhiều lần tạo cớ mời khách VIP tới ngân hàng "ký trước, hoàn tất hồ sơ sau" do "sắp có các chương trình khuyến mãi về tăng lãi suất". Có các chữ ký, Lam tự tạo văn bản đề nghị rút tiền của khách hàng, mang trình Ban giám đốc hoặc kiểm soát viên nhằm hoàn tất thủ tục.
Do nghi vấn dòng tiền bất minh của Lam, trong hơn một tháng, 11 trinh sát đã điều tra, thu thập được chứng cứ về việc Lam tự ý rút tiền mặt hoặc chuyển khoản của 6 khách hàng, tổng cộng 48 tỷ đồng. Ngày 21/9, ba ngày sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây hậu quả nghiêm trọng, Lam đã ra đầu thú.
Đại án Huyền Như với số tiền chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng
Huỳnh Thị Huyền Như bị cáo buộc lừa đảo, chiếm đoạt hơn 4.000 tỷ đồng.
Huỳnh Thị Huyền Như - nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), chi nhánh TP HCM bị cáo buộc lừa đảo, chiếm đoạt hơn 4.000 tỷ đồng của hơn 33 doanh nghiệp và 20 cá nhân được xem là "vụ đại án" gây xôn xao dư luận suốt thời gian dài qua.
Theo kết luận điều tra, đầu năm 2007, khi còn là cán bộ tín dụng VietinBank Chi nhánh TP HCM, Như đã vay hơn 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân để kinh doanh bất động sản. Đến năm 2010, kinh doanh thua lỗ, mất khả năng trả nợ, Huyền Như dùng nhiều mánh để có được hơn 4.000 tỷ đồng của nhiều cá nhân, tổ chức.
Trong đó, các thủ đoạn chính của Như là giả chữ ký của nhân viên rút tiền hoặc đem thẻ tiết kiệm đi thế chấp, giả con dấu, chữ ký của doanh nghiệp, làm lệnh chi giả để rút tiền.
Và từ tháng 3/2010 đến 9/2011, Huyền Như đã làm giả tổng cộng 8 con dấu Chi nhánh Nhà Bè của ngân hàng này và 7 công ty khác, đồng thời làm giả tài liệu của VietinBank cùng nhiều đơn vị, cá nhân khác để lừa đảo, chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân tổng cộng hơn 4.000 tỷ đồng tiền gửi.
"Siêu lừa" Huyền Như phải nhận mức án tù chung thân vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức. 22 đồng phạm khác nhận án từ một đến 20 năm tù. Hiện vụ án gây chấn động này vẫn đang trong giai đoạn điều tra mở rộng.
Nữ cán bộ Agribank rút khống hơn 6 tỷ đồng từ tiền gửi của khách
Năm 2013, Ngô Thị Mỹ Liên (Sinh năm 1980) và Nguyễn Thị Nhung là hai nhân viên làm việc ở Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thường Tín đã bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử tội tham ô tài sản.
Sự việc này xảy ra khi ngày 8/4/2011, Agribank tố 2 cán bộ này có hành vi lập chứng từ khống để tất toán 10 sổ tiết kiệm của khách hàng với tổng tiền gốc gần 6 tỷ đồng và hơn 23 triệu đồng tiền lãi.
Nhung là người có thâm niên làm việc ở ngân hàng gần 20 năm với vai trò là thủ quỹ, sau làm giao dịch viên. Liên vào làm sau nhưng được phép sử dụng ấn chỉ trắng để mở, lập, phát hành sổ tiết kiệm cho khách hàng đến gửi tiền. Hai người này đã cùng nhau móc tiền gửi của khách hàng.
Chỉ trong vòng một tháng của năm 2011, Nhung và Liên lên kế hoạch cùng nhau tất toán 10 sổ tiết kiệm của khách hàng mà họ có trách nhiệm quản lý. Sau đó, để che giấu hành vi phạm pháp, cả 2 thông đồng lập hồ sơ khách hàng gửi tiền tiết kiệm khống hoặc lập mới sổ tiết kiệm cho khách. Họ nhận tiền gửi tiết kiệm nhưng không hạch toán trên hệ thống của ngân hàng để bù trừ cho các sổ tất toán khống.
Sau khi xem xét vụ án, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội cho rằng, các bị cáo là cán bộ ngân hàng, biết luật mà vẫn phạm tội. Hành vi của Nhung và Liên gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng uy tín của ngân hàng vì vậy cần xử lý nghiêm. Sau khi nghị án, chủ tọa tuyên phạt Nhung 20 năm tù, Liên 16 năm tù giam.
Tác giả bài viết: Hoài Thu