Tháng 5 và tháng 6 hàng năm là thời gian cao điểm của mùa khô, đây cũng là thời điểm căng thẳng nhất trong năm về cung cấp điện của cả nước. Dự báo của ngành điện cho thấy, nhu cầu phụ tải thời gian này trong năm 2018 có thể đạt bình quân tới 650 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất toàn hệ thống có thể lên tới 34.300 MW.
Theo số liệu giám sát của Cục Điều tiết Điện lực, nhu cầu điện năm nay tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 0,5% so với dự báo đầu năm 2018.
Trước những lo ngại về tình trạng khô hạn của thời tiết sẽ ảnh hưởng đến sản xuất điện của các nhà máy thủy điện, ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, qua theo dõi tình hình thủy văn các tháng đầu năm 2018 cho thấy, lưu lượng nước về các hồ thủy điện ở cả 3 miền nhìn chung tương đương, có phần khá hơn tần suất thủy văn 65% được dự kiến trong kế hoạch đầu năm. Cho đến nay, hầu hết các nhà máy thủy điện vẫn đang vận hành theo kế hoạch dự kiến.
Bộ Công Thương vận hành Thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm năm 2018. (Ảnh minh họa: KT) |
Dự báo trong các tháng cao điểm mùa khô 2018, sản lượng của các thủy điện sẽ đạt và có thể cao hơn kế hoạch đầu năm một chút. Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thực hiện nghiêm túc việc cung cấp nước cho hạ du của các hồ thủy điện theo đúng các Quy trình vận hành hồ chứa, vận hành liên hồ chứa, đồng thời phát huy tối đa khả năng phát điện vào hệ thống.
Ngoài ra theo ông Phúc, các nguồn thủy điện, nhiệt điện than, tua bin khí, thậm chí cả nhiệt điện dầu cũng được sẵn sàng huy động ở mức độ tối đa để đảm bảo cung ứng điện cho mùa khô 2018.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, trong các tháng còn lại của năm 2018, đối với mặt hàng điện, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát các chi phí đầu vào để điều hành giá điện phù hợp với kịch bản điều hành giá chung trong năm 2018.
“Trong thời gian tới, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân sẽ tiếp tục được thực hiện theo cơ chế thị trường, trong phạm vi khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ cũng như quy định và cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân”, ông Phúc cho biết.
Mua-bán buôn điện có cạnh tranh Ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường phát điện cạnh tranh hiện nay đã có 86 nhà máy điện tham gia trực tiếp thị trường với tổng công suất đặt là 43.010 MW. Lộ trình vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh được tiến hành từ năm 2017 đến năm 2019. Năm 2017 đã kết thúc việc thực hiện thí điểm giao dịch trên giấy và bắt đầu chuyển sang thực hiện thanh toán thật từ tháng 1/2018. Như vậy, tính từ ngày 1/1/2018, thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã bắt đầu được thí điểm có sự tham gia của 5 Tổng công ty điện lực, các Công ty mua bán điện và 2 nhà máy điện Phú Mỹ 1 và Phú Mỹ 4. Theo ông Đinh Thế Phúc, đến nay công tác vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh cơ bản đã đi vào ổn định, chuẩn bị cho việc mở rộng và nâng cấp vào năm 2019 theo lộ trình. “Việc đưa thị trường bán buôn điện vào vận hành không ảnh hưởng tới việc cung cấp điện, còn góp phần đưa cạnh tranh vào khâu mua-bán buôn điện giữa các đơn vị phát điện và các Tổng công ty Điện lực”, ông Phúc thông tin. Còn theo ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), công tác dự báo phụ tải tiêu thụ hiện nay đã có sự liên quan mật thiết và ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí mua điện cũng như doanh thu của của các Tổng công ty điện lực. Điều này tăng tính chủ động cho các Tổng công ty Điện lực trong công tác dự báo phụ tải nói riêng, cũng như công tác lập kế hoạch, vận hành hệ thống điện nói chung. “Việc vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh không ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cao điểm mùa khô năm nay”, ông Nguyên khẳng định thêm./. |
Tác giả: Nguyễn Quỳnh
Nguồn tin: Báo VOV