Kinh tế

Nhiều tỷ phú ‘ẩn mình’ của Việt Nam sẽ chính thức lộ diện

Lãnh đạo các doanh nghiệp lớn như Novaland, Vietjet Air, Sun Group… đã chính thức bỏ danh xưng “tỷ phú không chính danh” để công khai tài sản trên sàn chứng khoán.

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2016 chứng kiến một lớp người giàu mới hình thành. Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt năm 2016 biến động không ngừng khi các tỷ phú mới lần lượt xuất hiện.

Bà chủ hãng "hàng không bikini" Nguyễn Thị Phương Thảo

Theo hãng tin Bloomberg, bà Thảo kiếm được 1 triệu USD đầu tiên khi mới 21 tuổi nhờ bán máy fax và nhựa cao su. Hãng tin này cũng kỳ vọng bà trở thành nữ tỷ phú USD tự thân đầu tiên của Việt Nam khi IPO Vietjet.

Đại diện đơn vị tư vấn Ngân hàng Đầu tư Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) xác nhận hãng hàng không giá rẻ này đã hoàn tất đợt bán đấu giá 44,8 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng cho các nhà đầu tư tổ chức.

Trong khi đó, hãng tin Reuters cho biết 44,78 triệu cổ phiếu Vietjet được bán với giá 84.600 đồng/cổ phiếu, nằm ở giữa khoảng giá 75.900-98.400 đồng dự kiến trước đó. Hãng sẽ thực hiện đợt chào bán 3,5 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân với mức giá 86.500 đồng/cổ phiếu.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo được dự báo sẽ là nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: VJA.
Theo đó, công ty này được định giá ở mức 1,2 tỷ USD, nếu IPO thành công thì sẽ huy động được khoản tiền 170 triệu USD.

Trước khi chào bán, Vietjet Air có tổng cộng 56 cổ đông, trong đó 9 cổ đông tổ chức. Tổng giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo là cổ đông lớn nhất, nắm 20,03% vốn điều lệ, tương đương hơn 60 triệu cổ phần.

Với mức giá 86.500 đồng/cổ phiếu thì giá trị tài sản quy đổi từ cổ phiếu cũng đủ đưa bà Thảo vào top người giàu trên sàn chứng khoán Việt. Đó là chưa kể đến số cổ phiếu sở hữu gián tiếp thông qua các công ty bà nắm quyền điều hành.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970, Tiến sĩ Điều khiển học kinh tế, Cử nhân Quản lý kinh tế lao động - Đại học Kinh tế Quốc dân Matxcova (Nga), Cử nhân Tài chính Tín dụng - Học viện Thương mại Matxcova. Không chỉ là Tổng giám đốc VietJet, bà còn là Phó chủ tịch thường trực HDBank, cổ đông sáng lập của Tập đoàn Sovico Holdings, Chủ tịch Công ty Địa ốc Phú Long.

Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn

Việc niêm yết cổ phiểu của Novaland đã đưa ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn này vào top 4 người giàu nhất sàn chứng khoán.

Với gần 590 triệu cổ phiếu phổ thông được niêm yết, tạm tính theo giá tham chiếu chào sàn là 50.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa Novaland lên gần 29.500 tỷ đồng (tương đương 1,3 tỷ USD).

Ông Bùi Thành Nhơn sẽ ghi danh vào Top 4 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam khi cổ phiếu Novaland giao dịch vào ngày mai, 28/12. Ảnh: NVL.
Chỉ tính riêng lượng cổ phiếu cá nhân nắm giữ thì ông Nhơn cũng đủ trở thành người giàu thứ 4 trên thị trường chứng khoán.

Hiện ông Nhơn sở hữu 126,2 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 6.300 tỷ đồng, đứng sau 3 người giàu nhất hiện nay là ông Phạm Nhật Vượng, Trịnh Văn Quyết và Trần Đình Long.

Trên phương diện doanh nghiệp, Novaland cũng được xác nhận là doanh nghiệp bất động sản lớn thứ hai trên sàn chứng khoán, với giá trị vốn hóa khoảng 32.400 tỷ đồng. Dù vẫn còn khoảng cách xa so với Vingroup (111.000 tỷ đồng), doanh nghiệp này cũng bỏ nhiều ông lớn bất động sản khác như Vinaconex (21.500 tỷ đồng), FLC (17.000 tỷ đồng), Kinh Bắc (14.700 tỷ đồng)...

Điều bất ngờ của đại gia bất động sản này là khởi nghiệp ở lĩnh vực không liên quan gì đến ngành nghề hiện tại.

Năm 1992, ông Bùi Thành Nhơn khởi nghiệp kinh doanh của mình sau khi tốt nghiệp Đại học Dartmouth, Hoa Kỳ, bằng việc thành lập Công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn, vốn điều lệ 400 triệu đồng để kinh doanh thuốc thú y, nguyên liệu dược, hóa chất.

Những năm 2006-2007, khi thị trường địa ốc “sốt nóng”, ông Nhơn cũng như nhiều doanh nhân khác tìm đến bất động sản. Novaland ra đời với dự án đầu tiên tại quận 7, TP.HCM cùng hàng loạt thương vụ M&A trong ngành.

Lĩnh vực kinh doanh thuốc thú y và thực phẩm dinh dưỡng được tách ra một nhánh khác thuộc Nova Group, với tên gọi là Anova Corporation.

Tài sản tăng gần 2.600 tỷ đồng đưa ông Đỗ Hữu Hạ vào Top 10 người giàu

Đầu năm 2016, ông Đỗ Hữu Hạ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy chưa hề có tên trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Khối tài sản vào thời điểm đó của ông Hạ chỉ khoảng 60 tỷ đồng, nhờ việc sở hữu khoảng 4,3 triệu cổ phiếu HHS của Công ty CP đầu tư dịch vụ Hoàng Huy.

Doanh nhân Đỗ Hữu Hạ. Ảnh: ĐTCK.
Ông Hạ lọt vào Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán khi Công ty CP Đầu tư tài chính Hoàng Huy (TCH), nơi ông là Chủ tịch HĐQT, niêm yết gần 363 triệu cổ phiếu lên sàn chứng khoán.

Với việc nắm giữ hơn 151 triệu cổ phiếu tại TCH, tính đến ngày 23/12, khi giá mỗi cổ phiếu TCH khoảng 17.350 đồng, tổng tài sản mà cổ phiếu TCH mang lại cho ông Hạ đạt hơn 2.600 tỷ đồng.

Hiện nay, tổng tài sản của ông Hạ khoảng 2.639 tỷ đồng. Như vậy khối lượng tài sản của ông Hạ đã tăng hơn 2.579 tỷ đồng trong năm 2016.

Doanh nhân Đỗ Hữu Hạ, vốn cùng thế hệ và được xem có cùng xuất phát điểm với những tên tuổi lớn của Việt Nam như Vũ Văn Tiền, Nguyễn Thị Nga, Đỗ Quang Hiển…

Được thành lập năm 2008 tại Hải Phòng với xuất phát điểm là doanh nghiệp xã hội, tạo công ăn việc làm cho thương binh, người tàn tật, Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn bán lẻ ôtô con, bán môtô, xe máy. Tuy nhiên, doanh nghiệp sau đó lại bén duyên với xe tải và phất lên nhờ buôn bán xe tải.

Từ quy mô vốn điều lệ 90 tỷ đồng, HHS sau đó đã liên tục tăng vốn và hiện đã đạt quy mô 2.330 tỷ đồng.

Tác giả bài viết: Bình Nguyên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP