Theo chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng mai (6/6), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội.
Trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều cử tri bày tỏ mong muốn người đứng đầu ngành giáo dục - đào tạo sẽ làm rõ các vấn đề nổi cộm của giáo dục.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội vào sáng mai (6/6). |
Phương hướng cụ thể đổi mới chất lượng giáo dục?
Cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương, giáo viên Tiếng Anh tại Trường THPT Hoài Đức B, Hà Nội bày tỏ trăn trở về đổi mới giáo dục.
“Cụ thể, tôi mong muốn Bộ trưởng có những kế hoạch cụ thể về những phương hướng phát triển và đổi mới chất lượng giáo dục trong thời gian tới. Chú trọng hơn đến kết quả việc phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, việc xây dựng môi trường giáo dục dân chủ trong các cơ sở giáo dục. Đặc biệt là các biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với các giáo viên, học sinh có hành vi ứng xử thiếu văn hóa gây mất niềm tin của cha mẹ học sinh, bức xúc trong xã hội”, nữ giáo viên nói.
Là một giáo viên THPT, cô Lan Hương mong muốn việc đổi mới về thi cử đi vào ổn định, có thêm những tiết học về kĩ năng sống và hướng nghiệp nghề cho học sinh cấp 3. |
“Tôi rất tin tưởng và hi vọng phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng ngày mai sẽ giải đáp được những thắc mắc của cử tri và đề ra được những phương hướng cụ thể cho nền giáo dục nước nhà", cô Lan Hương chia sẻ.
Có con đang học mầm non, cử tri Nguyễn Trọng Hùng (đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) mong muốn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có giải pháp cụ thể để đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non bởi lẽ thực trạng bạo hành trẻ em xảy ra nổi cộm ở nhiều cơ sở giáo dục mầm non, nhất là khu vực cơ sở tư thục. Cử tri này đặt câu hỏi: “Tại sao thực trạng này nóng nhiều năm nay mà không có dấu hiệu thuyên giảm?”.
5 câu hỏi trăn trở từ nghiên cứu sinh Việt tại nước ngoài
Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Giáo dục học tại Trường ĐH Newcastle (Australia) bày tỏ 5 vấn đề mong mỏi ở phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sáng mai. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần một triết lý giáo dục: Bộ GD&ĐT đang triển khai áp dụng mô hình giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực và phẩm chất. Theo đánh giá gần đây của Hội đồng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông mới sau khi triển khai thí điểm ở một số địa phương đã cho rằng “có tới 90% đồng tình với hướng tiếp cận này”.
Vậy liệu con số này có phản ánh đúng thực chất cho việc thực thi chương trình giáo dục phổ thông theo mô hình mới hay không khi thời gian thực hiện quá ngắn. Người thực hiện khảo sát lấy phiếu đánh giá chính là hội đồng chủ biên như vậy có khách quan?
Theo thạc sĩ Sóng Hiền, chúng ta đã có một bài học xương máu về việc triển khai và áp dụng nóng vội mô hình giáo dục VNEN khi chưa có một khảo sát khiên cứu đánh giá đối với bối cảnh Việt nam để áp dụng mô hình này. Nhiều chuyên gia củng khẳng định mô hình này không hợp với “thổ nhưỡng” Việt Nam và thực tế cho thấy, có nhiều địa phương đã thất bại khi áp dụng mô hình giáo dục này.
Mô hình giáo dục VNEN được Bộ GD&ĐT cho thí điểm đại trà (theo thống kê gần đây thì hiện nay có tới khoảng 4.800 trường tiểu học của 58/63 tỉnh thành và có tới 1.500 trường THCS thuộc 51/63 tỉnh thành cả nước đang áp dụng thí điểm mô hình này) chưa có một đánh giá toàn diện về hiệu quả của nó thì chúng ta lại bắt tay vào triển khai mô hình giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực.
Một câu hỏi đặt ra liệu tư duy nhiệm kỳ có phải là rào cản cho việc thúc đẩy cho sự phát triển ổn định của nền giáo dục Việt Nam hiện nay? Dường như mỗi nhiệm kỳ Bộ trưởng, học sinh và thầy cô lại trở thành “chuột bạch” cho những chủ trương mà "tư duy nhiệm kỳ" mang lại khiến có người nảy sinh hoài nghi: liệu giáo dục của chúng ta có đang lạc lối?
Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Giáo dục học tại Trường ĐH Newcastle (Australia) bày tỏ 5 vấn đề mong mỏi ở phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. |
Giáo dục cần một định hướng dài hơi mang tính nhất quán, là một quá trình liên tục và mang tính kế thừa. Song cách làm giáo dục của chúng ta dường như lại đi theo hướng chắp vá, vay mượn vì vậy nảy sinh những bất cập trong môi trường giáo dục thời gian qua.
“Nói đúng hơn chúng ta cần minh định một triết lý giáo dục để định hướng cho tất cả các bậc học, các cấp học, các nhà quản lý giáo dục, người thực thi giáo dục, cho giáo viên cho học sinh và cho cả xã hội hướng vào đó mà phát triển mà tiến tới”, nghiên cứu sinh Việt mong muốn.
Thứ hai, chất lượng giáo dục đã tốt?: Một nền giáo dục tốt phản ảnh qua chất lượng của nguồn nhân lực. Chúng ta luôn tự hào về các thành tích giáo dục của mình nhưng với những thành tích vậy có lý giải được tại sao có tới 200 ngàn cử nhân vẫn thất nghiệp, các công nhân đào tạo ra được đánh gía là yếu về kỹ năng nghề và phải đào tạo lại.
Các sinh viên tốt nghiệp ra trường thiếu kỹ năng sống và kém về năng lực ngoại ngữ. Một câu hỏi đặt ra chất lượng giáo dục chúng ta đã thật sự tốt? Đề án Ngoại ngữ 2020 của chúng ta đã hiệu quả và khả thi? Hay chúng ta vẫn còn nặng bệnh thành tích và hình thức trong giáo dục?
Hiện nay, mô hình đào tạo gắn liền với doanh nghiệp được áp dụng từ lâu ở các quốc gia phát triển như Đức, Úc, Singapore đã giải quyết được vấn đề thất nghiệp và đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp, vậy mô hình này ở Việt Nam đã được quan tâm và thực hiện cụ thể như thế nào?
Thứ ba, môi trường giáo dục dân chủ?: Bạo lực học đường, sự xuống cấp đạo đức học đường là những vấn đề nổi cộm trong thời gian gần đây. Chúng ta đã thực sự xây dựng trường học dân chủ? Và thầy cô cũng như các nhà quản lý giáo dục đã thực sự hiểu dân chủ trong giáo dục là gì? Học sinh có quyền được nói tiếng nói của mình? Học sinh được trao cơ hội để chia sẻ và trao đổi những nhu cầu và mong muốn của mình? Hay quyền lực người thầy vẫn là tuyệt đối? Chừng nào dân chủ trong giáo dục còn mang tính hình thức thì mối quan hệ giữa trò và thầy còn nhiều xung đột.
Thứ tư, đề án 911 hiệu quả như thế nào?: Dư luận rất quan tâm tới Đề án đào tạo tiến sĩ 911. Theo đánh giá thì đề án này không đạt được mục tiêu đề ra và Bộ GD&ĐT có chủ trương xây dựng đề án mới. Câu hỏi tôi muốn đặt ra là Bộ đã có đánh giá cụ thể về hiệu quả và chất lượng của đề án này chưa? Chi phí ngân sách đã chi bao nhiêu, số lượng tiến sĩ tốt nghiệp về nước là bao nhiêu? Họ có được làm đúng vị trí và chuyên môn của mình được đào tạo, có thật sự hiệu quả như mong đợi?
Thứ năm, đời sống giáo viên bao giờ được cải thiện?: Bộ đã trình đề nghị giáo viên được hưởng mức lương cao nhất trong hệ thống lương hiện hành là một tin vui đối với đội ngũ giáo viên cả nước. Tuy nhiên, thực tế mức lương cao nhất trong hệ thống lương hiện hành liệu có đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của giáo viên hay không? Giáo dục là một ngành đặc thù, được xem là quốc sách hàng đầu vì vậy mức lương giáo viên cần được xây dựng riêng và phải đảm bảo được sinh hoạt của họ. Có như vậy giáo viên mới có thể toàn tâm toàn lực cho "sự nghiệp trồng người" của mình.
Tác giả: Lệ Thu (ghi)
Nguồn tin: Báo Dân trí