Tin địa phương

Nhiều người dân Đà Nẵng sống thấp thỏm trong những ngôi nhà bị sóng biển “ăn” đến tận vách

Bị triều cường xâm thực, những ngôi nhà từng cách biển cả trăm mét nhưng giờ đây chỉ còn 10 mét, khiến hàng chục hộ dân sống ở sát tuyến kè biển Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) đang ngày đêm thấp thỏm, lo âu vì nhà cửa có thể bị cuốn trôi ra biển bất cứ lúc nào.

Mất ngủ trong những ngôi nhà "chờ biển táp"

Mỗi khi mùa mưa bão đến, hàng trăm hộ dân sống dọc bờ kè biển Liên Chiểu (P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) lại phải sống trong tâm trạng bất an khi bờ biển ngày càng tiến sát nhà của mình. Trong khi đó, việc thi công tuyến kè biển nằm cạnh thì lại đang ì ạch khiến họ càng thêm lo lắng.

Có mặt tại làng chài Nam Ô, chúng tôi ghi nhận tình trạng nước biển ngày càng lấn sâu vào đất liền, gây sạt lở nghiêm trọng. Hàng dài cây xanh cao to của người dân trồng chắn gió đã bị sóng biển đánh bật gốc, nằm la liệt, nhiều cây bị cuốn trôi. Đường dân sinh cũng biến mất, để lại trên bãi cát ngổn ngang những mảng bê tông vỡ nát.

Nhiều ngôi nhà bị sóng biển "ăn" đến tận móng.

Đặc biệt, bờ biển chỉ còn cách khu dân cư khoảng 4-5 mét và cách Quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Bắc - Nam chừng 20 mét. Một số ngôi nhà bị triều cường đánh bật cả phần sân và hiên, tạo thành hàm ếch phía dưới rất nguy hiểm.

Được biết, trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc có gần 150 hộ dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng sóng biển "ăn" sâu vào đất liền. Trong đó, khoảng 50 hộ thuộc 2 tổ 4 và tổ 5 bị ảnh hưởng nặng nhất. Trong bão số 12 vừa qua, có 6 gia đình phải di dời khẩn cấp do những ngôi nhà này có nguy cơ bị cuốn trôi bất cứ lúc nào.

Hiện tượng sạt lở nặng nề đã xảy ra tại khu vực biển này từ nhiều năm nay.

Đầu năm 2016, để "cầm cự" trước tình trạng biển xâm thực, chính quyền địa phương đã vận động người dân làm đoạn kè tạm bằng đá rọ dài hơn 350 mét dọc bờ biển thuộc địa bàn tổ 1 và 2, nhưng đến nay cũng đã bị sóng lớn đánh trôi toàn bộ ra biển do ảnh hưởng của cơn bão vừa qua.

Ông Mừng xót xa nhìn vào khoảng sân của nhà mình bị sóng cuốn trôi chỉ sau một đêm.


Hằng ngày, có hàng chục người dân đang phải sống trong cảnh "ăn không ngon, ngủ không yên" bởi lo sợ sóng biển sẽ đánh sập nhà.

Nhìn khoảng sân của căn nhà vừa bị sóng đánh tơi bời, ông Trương Văn Mừng (55 tuổi, trú tổ 4) buồn rầu nói: "Mấy năm trở lại đây, biển ngày càng "ăn" sâu vào hơn. Sau bão số 12, tình trạng xâm thực càng thêm trầm trọng. Chỉ trong một đêm, cái sân của nhà tôi đã bị cuốn trôi, nước tràn vào tận hiên khiến 6 người già trẻ phải di tản. Cứ tình trạng này, nếu không xây kè kiên cố kịp thời thì chắc chỉ sau một trận bão nữa là hàng loạt ngôi nhà ở đây sẽ bị sóng biển nuốt chửng hết, nguy hiểm lắm".

Làng nghèo "ngồi trên đống lửa", mong bờ kè sớm được hoàn thành

Cùng chung tâm trạng rầu rĩ giống ông Mừng, dẫn chúng tôi vào khoảng sân đã bị sóng đánh sụp còn nằm ngổn ngang, bà Lê Thị Hải (tổ 2) thở dài nói: "Sân nhà tôi rộng hai mấy mét, phía trước trồng nhiều cây xanh, rồi đến bãi cát trắng trải dài gần trăm mét. Vậy mà giờ sóng đã vào tận móng nhà, cách có vài mét. Không chỉ riêng nhà tôi mà hàng loạt ngôi nhà bên cạnh cũng bị sóng "táp" sát vách…".

Ông Lương cho biết, vào mùa biển động hoặc mưa bão là sóng đánh ầm ầm, cứ sáng ra người dân lại xót xa khi thấy một phần đất bị cuốn trôi rõ rệt.

Nếu sóng biển cứ tiếp tục hoành hành thì những ngôi nhà này bị cuốn trôi ra biển là điều khó tránh khỏi.

Theo tìm hiểu, đa số hộ dân nơi đây đều có hoàn cảnh khó khăn, cả đời lam lũ mới cất được căn nhà nhỏ trú nắng mưa. Chứng kiến sóng biển đang xâm thực đến gần nhà, nhiều hôm biển nổi sóng dữ dội, nước dâng cao và tràn vào tận sân, khiến bà con phải mất ngủ trắng đêm vì sợ nhà sập.

"Nếu sóng biển cứ xâm thực ngày càng mạnh hơn thì sớm muộn gì nhà cũng sập thôi. Chúng tôi mong muốn bờ kè bê tông nhanh chóng được xây dựng để yên tâm sinh sống. Nhà tôi có 5 người ở trong nhà này, biết là nguy hiểm, mỗi ngày ở đây như ngồi trên đống lửa, nhưng cũng đành phải liều ở thôi chứ không biết đi đâu…", ông Nguyễn Bá Lương (tổ 2) buồn rầu, tâm sự.

Tình trạng xâm thực, sạt lở bãi biển ở phường Hòa Hiệp Bắc ngày càng trầm trọng và nỗi lo của người dân nơi đây còn thổn thức theo những biến động khôn lường của thời tiết.

Người dân nơi đây đang rất cần sự quan tâm của cơ quan chức năng để sớm có bờ kè kiên cố, giúp họ yên tâm bám biển, bám làng.

Ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết đã báo cáo lên UBND TP xem xét để sớm triển khai xây dựng kè kiên cố bằng bê tông tại khu vực bị sạt lở nghiêm trọng này. Nguồn vốn xây dựng sẽ được trích từ kinh phí dự phòng khoảng 20 tỉ đồng thuộc dự án kè biển Liên Chiểu dài hơn 1,5 km đang được thi công và đã hoàn thành xong giai đoạn 1 với khoảng 1,2 km (hơn 80 % khối lượng công trình).

"Do tiến độ thi công chậm nên chúng tôi đã xin gia hạn thêm 5 tháng nữa để hoàn thiện 1,5 km kè trước đó và tiếp tục thi công 350 mét kè tại đoạn bờ biển đang bị xâm thực, sạt lở. Nếu thời tiết thuận lợi thì chắc chắn sẽ hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc trong vòng 5 tháng… Nếu tuyến kè được xây xong thì thời gian tới người dân sẽ không phải di dời và có thể ổn định cuộc sống", ông Hưng nói.

Tác giả: Hà Nam

Nguồn tin: Báo Trí thức trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP