Năm 2016, một vụ đuối nước đau lòng xảy ra tại xã Nghĩa Hà (TP. Quảng Ngãi) đã cướp đi sinh mạng của 9 học sinh THCS. Sau vụ tai nạn kinh hoàng này, tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều nỗ lực nhằm giảm thiểu số học sinh tử vong do đuối nước, tuy nhiên kết quả đạt được vẫn chưa như mong đợi.
Gần đây nhất, một vụ đuối nước xảy ra tại xã Hành Thiện (huyện Nghĩa Hành) đã khiến 4 trẻ em tử vong. Chiều 31/8, 2 anh em sinh đôi T.Đ.V. và T.Đ.Đ. (lớp 4) rủ 2 em nhỏ khác ra bờ sông Vệ chơi đùa. Chẳng may cả 4 em bị sụp xuống hố sâu đuối nước và tử vong.
Thời điểm 4 em ra bờ sông chơi đùa không ai hay biết, vì vậy đến tối người dân mới phát hiện vụ việc khi thấy nhiều vật dụng cá nhân để lại trên bờ sông. Những cái chết của con trẻ đã để lại cho gia đình nỗi đau dai dẳng.
“Vợ chồng tôi đi làm cả ngày nên phải để hai đứa ở nhà. Bình thường mấy đứa có ra sông bao giờ đâu, sao hôm đó lại rủ nhau ra khu vực trạm bơm chơi để xảy ra chuyện đau lòng", anh Trần Đợi nói về sự ra đi của hai con V. và Đ.
Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi có 149 trẻ em tử vong do đuối nước. Trong đó, năm 2015 có 34 trường hợp, năm 2016 có 37 trường hợp. Riêng 8 tháng năm 2018 đã xảy ra 18 vụ đuối nước với 24 nạn nhân.
Tai nạn đuối nước ở trẻ em năm nào cũng xảy ra. Và hầu hết các nạn nhân đều không biết bơi và không có kỹ năng bảo vệ bản thân khi rơi vào các trường hợp nguy hiểm. Tuy nhiên, việc đưa môn bơi vào trường học tại Quảng Ngãi đang gặp nhiều khó khăn, hiện toàn tỉnh chỉ có 6 điểm trường có bể bơi. Vì vậy, tỷ lệ học sinh biết bơi chỉ chiếm khoảng 30%.
Việc đưa môn bơi vào trường học gặp khó vì thiếu kinh phí xây dựng và duy trì hoạt động các hồ bơi đạt chuẩn |
Theo ông Trần Sỹ - Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, trở ngại lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn kinh phí để xây dựng và duy trì hoạt động các bể bơi. Muốn xây dựng một bể bơi cần kinh phí từ 1 - 2 tỷ đồng và khoảng 50 triệu đồng mỗi tháng để duy trì hoạt động.
Chính vì vậy, Đề án đưa môn bơi vào trường học đã được tỉnh Quảng Ngãi lên ý tưởng từ rất lâu nhưng phải tạm dừng. Bởi, để xây dựng 80 bể bơi như kế hoạch đề ra cần khoản kinh phí quá lớn trong khi tỉnh Quảng Ngãi là địa phương còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, nếu cho doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động này cũng có những vướng mắc riêng về cơ chế.
Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc xây dựng bể bơi theo hình thức xã hội hóa là điều đáng khuyến khích. Nhưng vấn đề vận hành bể bơi lại thuộc trách nhiệm của ngành. Hiện cơ chế cho việc vận hành, quản lý các bể bơi xã hội hóa vẫn chưa được cụ thể nên các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư.
“Trong thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tham mưu để UBND tỉnh xem xét, ban hành một chính sách cụ thể, thông thoáng về việc đầu tư xã hội hóa bể bơi để các nhà đầu tư mạnh dạn hơn”, ông Sỹ cho biết.
Ngoài số hồ bơi trong trường học, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 20 hồ bơi do tư nhân quản lý. Mỗi năm, các hồ bơi này cũng tổ chức dạy bơi cho học sinh nhưng với số lượng khá hạn chế và không bài bản như ở trường học. Mặt khác, bể bơi tư nhân chỉ tập trung ở khu vực trung tâm các huyện, thành phố nên trẻ em nông thôn khó tiếp cận. Trong khi đó, tai nạn đuối nước phần lớn lại tập trung ở các vùng nông thôn khiến những nỗi đau dai dẳng vẫn còn tiếp diễn.
Tác giả: Quốc Triều
Nguồn tin: Báo Dân trí