Cụ thể, sau hơn một năm triển khai xử lý, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, gồm dự án Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Dự án Nhà máy Thép Việt - Trung. Bốn dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định, bao gồm: Nhà máy Sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy Sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất.
Với 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại một phần là Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (Hải Phòng).
Nhà máy Ethanol Dung Quất của Dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi |
Còn trong số 3 dự án đầu tư xây dựng dở dang, ngoài dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho thì 2 dự án còn lại đều đang tích cực thực hiện các biện pháp để tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cụ thể, dự án Nhà máy Sản xuất Nhiên liệu sinh học Phú Thọ đang tìm kiếm đối tác đầu tư để tiếp tục thực hiện, dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đang triển khai thực hiện phương án thoái vốn nhà nước để tạo chủ động cho nhà đầu tư tiếp tục đầu tư.
"Việc xử lý các dự án, doanh nghiệp đã bảo đảm thực hiện theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án. Đồng thời, rút thành công 1.000 tỉ đồng từ phần vốn góp của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vào dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với các khoản vay tại các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng ở 12 dự án đã giảm 193 tỉ đồng…" - báo cáo nêu.
Tuy nhiên, đáng lưu ý, Chính phủ cho biết đã có 4 dự án, doanh nghiệp được Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an do trong quá trình thanh tra đã phát hiện ra một số dấu hiệu vi phạm pháp luật gồm: dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi; dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên và dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.
Theo báo cáo, đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex)", trong đó có các sai phạm liên quan đến dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố để điều tra dấu hiệu sai phạm tại dự án Nhà máy Sản xuất Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và dự án Nhà máy Sản xuất Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, sau đó đã chuyển Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục thụ lý. Dự kiến sẽ hoàn thành điều tra và chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố vào cuối quý II/2018.
Ngoài ra, Cơ quan CSĐT đang tiếp tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tại dự án Nhà máy Sản xuất đạm Ninh Bình và tổ chức trinh sát, nắm tình hình, điều tra, xác minh thu thập tài liệu để làm rõ các sai phạm (nếu có) tại các dự án, doanh nghiệp khác.
Nhiều tranh chấp chưa giải quyết được Chính phủ cho biết có đến 8 dự án doanh nghiệp vướng mắc, tranh chấp đối với hợp đồng EPC đến nay vẫn chưa giải quyết được theo tiến độ đã đề ra. Một số trường hợp không dàn xếp được và phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử. Chẳng hạn, dự án Nhà máy Sản xuất đạm Ninh Bình, Hà Bắc, phân bón DAP số 2 - Lào Cai và Nhà máy Sản xuất Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi do các bên không dàn xếp được nên hiện đã phải chuẩn bị sẵn sàng phương án giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài quốc tế. Dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ do các bên không dàn xếp được nên sẽ giải quyết tại Tòa án Trọng tài quốc tế vào tháng 11-2018. |
Tác giả: Thùy Dương
Nguồn tin: Báo Người lao động