Một dự án khu dân cư tại xã Long An, huyện Long Thành, Đồng Nai đã được làm hạ tầng và đang được mở bán với giá 8-10 triệu đồng/m2 - Ảnh: A LỘC |
Là chủ một doanh nghiệp vận tải với trên 30 đầu xe kéo lớn nhỏ tại Thủ Đức (TP.HCM), ông Nguyễn Minh Hoàng cho biết đang rao bán xe để thu hẹp kinh doanh.
Lý do là hai năm qua công ty làm ăn không hiệu quả, nhưng ông Hoàng cho hay dù công ty lỗ trên 1 tỉ đồng trong năm 2017 song bù lại tiền từ mua đất nền rồi sang nhượng lại lãi hơn 3 tỉ đồng.
Lời nhiều hơn kinh doanh
Do mua đất nền có lãi hấp dẫn, ông Hoàng tính bán một phần xe, còn lại giao cho các tài xế ăn khoán theo chuyến để tập trung vào kinh doanh bất động sản.
"Tôi không phải là dân kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp nên thấy dự án gần nhà bán thì mua mấy mảnh để đó. Sau hơn hai năm giá tăng 2-4 lần nên thấy ham. Mua đất thì khỏe vì không phải chung chi cho ai như đi xe chở hàng" - ông Minh nói.
Tương tự ông Minh, ông T. ( quận 2) có công ty xây dựng và thi công nội thất với doanh thu có lúc lên đến gần 200 tỉ đồng/năm cũng cho hay thời gian chính bây giờ là đi tìm kiếm cơ hội mua đất. "Tìm mối mua đất kiếm lời hơn nhiều so với kinh doanh" - ông T. cho hay.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cơn "sốt đất" vùng ven TP.HCM bắt nguồn từ đầu năm 2017 đã khiến đất các khu vực quận 2, 9, Thủ Đức tăng giá chóng mặt.
Lợi nhuận tiền tỉ chỉ trong thời gian ngắn đã thu hút ngày càng nhiều cá nhân tham gia mua bán đất nền, nhà phố ở các khu vực vùng ven, lan ra các khu vực quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi và các tỉnh Đồng Nai, Long An và Bình Dương.
Tranh thủ sang tay vì sợ giá giảm
Ở quận 9 và Thủ Đức, hoạt động mua bán rất sôi động. Các phòng công chứng đông nghẹt người đến để giao dịch sang tay đất nền, tại các dự án và đất ở vùng ven cò đất tập trung rất đông ở các quán cà phê để giới thiệu với khách hàng và thu thập thông tin.
Tuy nhiên đang có hiện tượng nhiều nhà đầu tư đất nền tranh thủ sang tên để chốt lời và chuyển hướng sang các khu vực khác để đầu tư vì kỳ vọng tăng giá cao hơn.
Ông Hoàng Hải (quận 9) cho hay vừa bán hai mảnh đất gần 200m2 cho hai người ở TP.HCM và Đồng Nai với giá 29 triệu đồng/m2 ở dự án gần cảng Phú Hữu (quận 9).
So với giá ngay trước Tết âm lịch 2018, giá đất tại đây đã tăng tới 6-7 triệu đồng/m2, còn so với thời điểm mà ông Hải đầu tư cách đây hơn 2 năm thì giá đất đã tăng gấp 2-3 lần.
"Tôi thấy giá đất ở quận 9 đã tăng lên cao quá rồi, khó có khả năng tăng mạnh thời gian tới nên tranh thủ bán rút tiền ra đầu tư về Long Thành, Nhơn Trạch. Ở dưới đó đất còn rẻ nên cơ hội tăng giá cao sẽ nhiều hơn" - ông Hải cho biết.
Dọc các dự án ở khu vực quận 9 đã từng xảy ra cơn "sốt đất" vào đầu năm 2017 và lặp lại một lần nữa vào đầu năm nay, chỉ thấy những biển rao bán đất mọc lên khắp nơi giữa trời nắng.
Hầu như không thấy hoạt động xây dựng nhà ở tại các khu vực này. Một cò đất ở đường Lê Văn Việt (quận 9) cho biết đa số người ta đầu cơ đợi giá lên chứ không phải mua để xây nhà ở.
Theo ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng giám đốc Công ty Techcom Real, hiện nay tại TP.HCM có những dự án chính quy vẫn còn "đắp chiếu" hoặc chưa triển khai dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung sản phẩm mới.
Giới đầu tư xào qua xào lại sản phẩm cũ và đẩy giá nhà đất tăng lên. Do vậy cần có chính sách tạo điều kiện cho những doanh nghiệp đầu tư dự án chính quy thực hiện nhanh dự án để tăng nguồn cung sản phẩm bán ra thị trường. Nếu sản phẩm đưa ra thị trường đa dạng, khách hàng có nhiều lựa chọn thì giá nhà đất có thể giảm.
"Cơ quan chức năng cần rà soát, chấn chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất ở những khu vực "sốt". Công bố quy hoạch cho người dân để tránh trường hợp người dân mua bán nhà đất theo thông tin "ảo" gây bất ổn cho thị trường. Ngoài ra cũng cần chấn chỉnh hoạt động môi giới nhà đất tại các khu vực phát triển nóng", ông Lộc nói.
Nóng ở các tỉnh lân cận TP.HCM
Theo báo cáo thị trường bất động sản của Công ty DKRA mới công bố, xu hướng các nhà đầu tư nhỏ (vốn trên dưới 1 tỉ đồng) đang chuyển sang các tỉnh lân cận TP.HCM là Long An, Đồng Nai, Bình Dương.
Lý do là vì đất nền tại TP.HCM rất hiếm còn mảnh có giá xấp xỉ 1 tỉ đồng mà kỳ vọng lãi cao. Do đó, các nhà đầu tư hướng ra vùng giáp ranh với thành phố nơi đất vẫn còn thấp và cơ hội tăng giá nhiều.
Xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới và có thể tạo ra những đợt giao dịch nóng cho đất nền các địa phương lân cận TP.HCM.
Tác giả: TRẦN MẠNH
Nguồn tin: tuoitre.vn