Chiều ngày 16/1, tại Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố - ông Trần Văn Miên - đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam - bà Debohra Paul - nhân chuyến thăm và làm việc tại TP. Đà Nẵng.
Tại buổi tiếp, ông Trần Văn Miên chúc mừng Đại sứ Debohra Paul nhận nhiệm vụ mới tại Việt Nam; đồng thời giới thiệu khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như những định hướng thu hút đầu tư của TP. Đà Nẵng.
Ông Trần Văn Miên - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - trao quà lưu niệm cho bà Debohra Paul - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam |
Đặc biệt, cả hai bên đều nhấn mạnh đến việc Hiệp định CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ 14/1/2019, mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho thúc đẩy hợp tác, đầu tư, thương mại giữa Việt Nam - Canada nói chung, Đà Nẵng - Canada nói riêng.
Về phía TP. Đà Nẵng, ông Trần Văn Miên cho rằng, doanh nghiệp thành phố sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan nhập khẩu vào các nước thành viên của CPTPP, trong đó có Canada. Tuy nhiên, vì phần lớn doanh nghiệp thành phố là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên sức ép cạnh tranh cũng sẽ rất lớn, nếu không nỗ lực đổi mới, doanh nghiệp sẽ bị đào thải. Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng bày tỏ mong muốn Đại sứ Debohra Paul sẽ là cầu nối thúc đẩy hợp tác, đầu tư giữa Đà Nẵng và Canada trên các lĩnh vực cả hai bên cùng dành sự quan tâm giáo dục - đào tạo, công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ y tế.
Trao đổi tại buổi tiếp, Đại sứ Debohra Paul cho biết, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại ASEAN. Hiệp định CPTPP có hiệu lực với Việt Nam sẽ mở ra nhiều hơn nữa cơ hội hợp tác, đầu tư giữa hai bên.
Canada có nhiều lĩnh vực thế mạnh Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư như công nghệ sạch, công nghệ cao, công nghệ thông tin, giáo dục - đào tạo, nhất là trong vấn đề môi trường, quản lý rác thải đại dương, chủ đề ưu tiên hàng đầu của Canada trong năm Canada làm Chủ tịch nhóm G7.
Bà Debohra Paul cũng khẳng định với vai trò là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, bà sẽ cùng Đại sứ quán Canada tại Việt Nam nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam - Canada nói chung và Đà Nẵng - Canada nói riêng.
Theo Cơ quan Thống kê Canada, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Canada trong năm 2018 ước đạt 6,36 tỷ CAD, tăng 4,2% so với năm 2017; trong đó, Việt Nam xuất siêu ước khoảng 4,34 tỷ CAD.
Theo cam kết trong CPTPP, ngay khi hiệp định có hiệu lực, các dòng thuế nhập khẩu của Việt Nam vào Canada sẽ về 0% trong vòng 3 năm. Những mặt hàng của Việt Nam được hưởng lợi lớn từ việc giảm thuế này có thể nhắc đến như dệt may, giày dép, túi xách, đồ gỗ… Được biết, về phía Canada, các doanh nghiệp quốc gia này đang kỳ vọng với việc mở cửa thị trường Việt Nam, cơ hội để các nông sản có thương hiệu như thịt lợn, thịt bò, thủy sản, hoa quả tươi vào Việt Nam sẽ rộng mở hơn.
Tác giả: Vũ Lê
Nguồn tin: Báo Công thương