Sáng nay 10-4, tại Hội nghị lần thứ 18 của Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Bí thư huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho biết huyện này đang tổng hợp các trường hợp cán bộ liên quan đến sai phạm vụ rừng Sóc Sơn để báo cáo Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội để xử lý…
|
Khu biệt thự Hoàng Lê Gia Garden tại xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, một công trình khủng được Thanh tra TP Hà Nội chỉ rõ có sai phạm nghiêm trọng.
Báo cáo tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Bí thư huyện ủy Sóc Sơn, ông Phạm Xuân Phương cho hay huyện Sóc Sơn đang tập trung thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện hai kết luận của Thanh tra TP Hà Nội về quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Theo ông Phương, sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của UBND TP Hà Nội vào đầu tháng 4-2019, Ban thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn tổ chức họp, ra nghị quyết giao cho UBND huyện lập kế hoạch triển khai xử lý các công trình xây dựng trong giai đoạn 2017-2018, đồng thời tập trung xử lý cán bộ liên quan đến sai phạm quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn.
“Về xử lý cán bộ, chúng tôi đã phân loại, trong đó có những cán bộ thuộc diện Ban thường vụ Thành ủy quản lý, có những cán bộ thuộc diện Huyện ủy quản lý. Chúng tôi sẽ tổng hợp để báo cáo với Ủy ban kiểm tra Thành ủy để có kế hoạch xử lý sớm theo đúng chỉ đạo của thành phố” – ông Phương nói.
Như PLO đã thông tin, ngày 1-4, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã có văn bản số 1308/UBND-ĐT chỉ đạo các sở ngành liên quan và UBND huyện Sóc Sơn xử lý, khắc phục sau thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 10 xã và thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), giai đoạn từ năm 2008-2018.
Trong đó, ông Hùng giao Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể và cá nhân các thời kỳ từ năm 2006 – 2018 đã không nghiêm túc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và UBND TP Hà Nội về xử lý khắc phục sau thanh tra; buông lỏng quản lý về đất đai, trật tự xây dựng, để xảy ra các vi phạm như kết luận thanh tra.
Đồng thời, UBND huyện Sóc Sơn phải lập kế hoạch và thiết lập hồ sơ, phương án xử lý, khắc phục đối với các công trình vi phạm về đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, vi phạm trật tự xây dựng từ năm 2006 – 2018 tại thị trấn Sóc Sơn và 10 xã trên.
UBND huyện Sóc Sơn cũng được giao kiểm tra, rà soát các trường hợp đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thị trấn Sóc Sơn và 10 xã. Làm rõ các trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định để có phương án xử lý.
Liên quan đến việc xử lý các công trình vi phạm đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, sáng 9-4, bên lề kỳ họp HĐND TP Hà Nội, ông Phạm Xuân Phương, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn, cho hay trên địa bàn chín xã của huyện Sóc Sơn có 68 công trình sai phạm trong giai đoạn 2017-2018 sẽ phải xử lý bằng biện pháp cưỡng chế. Văn bản của UBND TP Hà Nội cũng nêu rõ việc xử lý phải báo cáo về UBND TP Hà Nội trước ngày 15-5.
Đối với các công trình vi phạm đất rừng từ 2016 trở về trước, ông Phương cho biết văn bản chỉ đạo của UBND TP Hà Nội cũng nêu rõ là phải rà soát, sau đó báo cáo cụ thể các phương án. Trước đây, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng nói là phải rà soát nhưng không cơ quan nào chịu làm. “Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã mở hướng, chỉ rõ là những cái nào chồng lấn thì báo cáo, những cái nào sai phạm thì phải xử lý. Còn trước mắt phải xử lý xong 68 công trình sai phạm trong năm 2017-2018 đã. Phá dỡ xong ngần đấy cũng không đơn giản” - ông Phương cho biết.
Kết luận thanh tra về quản lý, sử dụng đất rừng tại Sóc Sơn của Thanh tra TP Hà Nội đã chỉ rõ tại huyện Sóc Sơn có 659 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp nêu từ 2008 không được xử lý mà tiếp tục để phát sinh các vi phạm mới. Đến năm 2017, huyện mới xác định 555 công trình vi phạm, nay vẫn còn 485/555 công trình chưa xử lý. Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy việc xác định công trình vi phạm của UBND huyện Sóc Sơn năm 2017 không chính xác, thực tế số lượng công trình vi phạm lớn hơn rất nhiều. Chỉ riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm. Thanh tra TP kiến nghị tổ chức cưỡng chế ngay đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017 - 2018 trên địa bàn các xã trên để trả lại nguyên trạng ban đầu. Đối với các công trình vi phạm từ 2016 trở về trước, Thanh tra TP Hà Nội kiến nghị “thiết lập hồ sơ, có phương án xử lý đúng quy định của pháp luật, đảm bảo đất đai sử dụng đúng mục đích”. |
Tác giả: TRỌNG PHÚ
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM