Nhật Bản đã đồng ý cung cấp tên lửa Patriot cho Mỹ sau khi chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu quân sự được áp đặt theo hiến pháp hòa bình của nước này vào năm 1947. Động thái này sẽ giúp củng cố kho dự trữ quân sự của Washington vốn bị xói mòn do xung đột Ukraine.
Việc bán vũ khí cho Mỹ, được xác nhận hôm 22/12 tại Tokyo, đánh dấu lần xuất khẩu vũ khí sát thương đầu tiên của Nhật Bản kể từ Thế chiến 2. Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi của Nhật Bản sản xuất tên lửa Patriot theo giấy phép của các nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin và RTX.
Hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) được triển khai tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Getty) |
Theo RT, mặc dù hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot do Nhật Bản sản xuất sẽ không tới thẳng Kiev, song động thái này của Tokyo sẽ giúp Washington tăng nguồn dự phòng, gửi thêm tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất tới Ukraine.
Nội các Nhật Bản đồng ý bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí. Sau cuộc họp nội các, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết: “Khi thực hiện hành động này, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần bảo vệ một trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên luật pháp, đồng thời đạt được hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết thỏa thuận tên lửa sẽ tăng cường hơn nữa liên minh Nhật - Mỹ.
Quyết định xuất khẩu được đưa ra cùng ngày Nội các Nhật Bản thông qua mức tăng chi tiêu quốc phòng 2024 là 16% - 7,95 nghìn tỷ yên (55,8 tỷ USD), lên mức cao kỷ lục. Khoản ngân sách này sẽ cần được Quốc hội Nhật Bản phê duyệt.
Cuối năm ngoái, Thủ tướng Kishida tuyên bố kế hoạch xây dựng quân đội 5 năm, có thể đưa Nhật Bản trở thành quốc gia chi tiêu quốc phòng lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.
Việc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu của Nhật Bản có thể mở đường cho các máy bay chiến đấu F-15 và các loại vũ khí khác do các công ty Nhật Bản sản xuất theo giấy phép của Mỹ được bán cho Washington, Anh và các đồng minh phương Tây khác.
Tác giả: KÔNG ANH
Nguồn tin: vtc.vn