Các nhân viên ga tàu Sapporo, Hokkaido, Nhật Bản phân loại đồ bị thất lạc trong nhà kho của ga. (Ảnh: Kyodo) |
Trong vòng 10 năm qua, số lượng đồ thất lạc từ ga tàu điện ngầm, cửa hàng, quán ăn, nơi công cộng ở Nhật Bản đã tăng gấp đôi. Cảnh sát nước này đang thật sự bối rối không biết sẽ lưu trữ hay xử lý ra sao với tình trạng ngày càng ít người đến xin lại đồ bị đánh mất.
Nguyên nhân gây nên tình trạng ngày càng gia tăng đồ thất lạc đó là việc sử dụng điện thoại thông minh ngày càng nhiều hay tình trạng các khách du lịch bỏ lại những đồ họ không muốn sử dụng đến nhưng người Nhật Bản vẫn cho rằng đó là đồ bỏ quên hoặc đánh rơi.
Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, số lượng đồ thất lạc đã tăng từ 12,72 triệu năm 2007 lên tới 27,96 triệu năm 2016, bất chấp nước này đã thay đổi cả luật nhằm giảm thiểu việc lưu trữ số lượng đồ này.
Vào năm 2007, Nhật Bản đã sửa đổi luật tài sản thất lạc cho phép cảnh sát đăng tải đồ bị mất trên trang web, giảm thời gian cảnh sát lưu trữ đồ thất lạc xuống 3 tháng, cho phép cảnh sát bán đi những đồ giá trị thấp như ô dù và quần áo nếu sau 2 tuần không có ai đến nhận lại.
Thêm vào đó, cửa hàng, khách sạn và bến tàu được ủy quyền để mở kho lưu trữ đồ thất lạc thay vì giao nộp tới cảnh sát. Tuy nhiên, cho đến năm ngoái chỉ có 106 địa điểm mở các kho lưu trữ do các cơ sở kinh doanh không muốn phân bổ diện tích hoạt động để lưu trữ đồ bị mất, cũng như tiết kiệm chi phí cho hoạt động này.
Một nhân viên phụ trách lưu trữ đồ thất lạc tại Công ty Đường sắt Hokkaido (JR Hokkaido) cho biết: "Nhiều vấn đề có thể xảy ra khi lưu trữ đồ thất lạc, đặc biệt nếu nó có giá trị. Vào tháng 9, nhân viên của JR Hokkaido đã mang 700 món đồ thất lạc vào đồn cảnh sát Sapporo, bao gồm ô dù, túi xách và quần áo họ thu thập được tại ga Sapporo trong vài ngày.
Một nhân viên cảnh sát cho hay "Con số này không quá lớn". Hiện tại, hàng chục hộp các tông và túi nhựa chứa tài sản bị mất vẫn được chất đầy tại nhà kho trong đồn cảnh sát. Năm ngoái, cảnh sát Hokkaido đã thu nhận 190.000 món đồ thất lạc.
“Rất khó để biết được món đồ đó là họ bỏ quên hay bỏ đi. Vì thế con số đồ thất lạc cứ tăng lên theo thời gian”, một quan chức cao cấp của cảnh sát tỉnh Hokkaido cho biết.
Ông Masahiro Tamura, giáo sư trường đại học Sangyo, Kyoto, cho biết Nhật Bản cần tiếp tục cải cách quy trình xử lý đồ thất lạc như giảm thời gian lưu trữ những đồ vật này và đơn giản hóa thủ tục cần thiết để tránh tình trạng quá tải trong tương lai.
Tác giả: Đức Hoàng (Theo Kyodo)
Nguồn tin: Báo Dân trí