Pháp luật

Nhân viên hải quan 5 ngày nhận hối lộ gần 1 tỉ đồng bị truy tố ra tòa

Sau loạt bài “Những bê bối tại cục Hải quan TPHCM bao giờ xử lý dứt điểm?” đăng trên Lao Động, mới đây VKSND Tối cao đã ban hành bản cáo trạng dành cho Nguyễn Trường Duy – người bị cáo buộc chỉ trong vài ngày đã trắng trợn ép doanh nghiệp phải chung chi tới gần 1 tỉ đồng.

Vụ án gây bức xúc

Tin từ Viện KSND Tối cao cho biết, ngày 5.6.2017, cơ quan này vừa ban hành cáo trạng và tống đạt truy tố Nguyễn Trường Duy, SN 1968, nguyên công chức Đội kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan TPHCM về tội nhận hối lộ. Ngoài ra, Duy còn là bị can trong một vụ án buôn lậu phức tạp khác. Do đó, cơ quan Công an đã quyết định tách vụ án buôn lậu ra khỏi vụ án này để điều tra, làm rõ sau.

Theo cáo trạng, ngày 19.9.2014, Duy được phân công về Đội Kiểm soát Hải quan. Từ đó, lợi dụng nhiệm vụ được giao là kiểm tra các container hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp trước khi thông quan, Duy đã liên hệ, dọa dẫm, gợi ý, ép buộc các chủ doanh nghiệp và người làm dịch vụ Hải quan phải thỏa thuận chi tiền để hàng hóa được hanh thông, không bị kiểm tra.

Do quá bức xúc trước hành vi trắng trợn của vị công chức, một số doanh nghiệp đã quyết vạch trần bộ mặt thật của Duy. Các nội dung tố cáo nêu rõ, tháng 9.2015, khi làm thủ tục Hải quan tại Cảng Cát Lái, Duy đã trực tiếp gặp và yêu cầu ông V.V.D phải chi ngoài 500 ngàn đồng/container hàng hóa loại 20 feet; 1 triệu đồng/container hàng hóa loại 40 feet.

Nếu các doanh nghiệp không chi số tiền này, lập tức sẽ có lệnh kiểm tra, mặc dù, Duy biết số hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp không vi phạm pháp luật. Tuy biết hành vi của Duy đã gây khó khăn cho mình, nhưng các doanh nghiệp vì muốn kinh doanh thuận tiện, hàng hóa về đúng thời gian, nên đã miễn cưỡng chấp nhận yêu cầu.

Nguyễn Trường Duy và tang vật vụ án. Ảnh: CAND Online.

Từ những thông tin tố cáo, cơ quan công an đã nhanh chóng vào cuộc làm rõ. Ngày 29.9.2015, khi ông này vừa làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất sau chuyến đi Trung Quốc thì bị Cục An ninh Tiền tệ (A84) thực hiện lệnh bắt khẩn cấp. Sau đó, lực lượng công vụ đã đưa Duy về nhà riêng để thực hiện khám xét đã thu giữ được 64 phong bì và giấy gói tiền chứa tổng cộng gần 1 tỉ đồng, là số tiền hối lộ của các doanh nghiệp trong vài ngày Duy vắng nhà.

Qua xác minh, 40 phong bì, giấy gói tiền với tổng giá trị hơn 541 triệu đồng là tiền mà Duy đã nhận hối lộ của 50 doanh nghiệp và người làm nhiệm vụ khai báo Hải quan. Còn lại 24 phong bì và giấy gói tiền, với tổng số tiền hơn 422 triệu đồng không xác định được danh tính doanh nghiệp, cá nhân đã đưa tiền cho Duy, nhưng cũng là tiền bất hợp pháp. Do vậy, toàn bộ số tiền kể trên được đề xuất tịch thu, sung công...

Ảnh hưởng đến tương lai

Liên quan đến vụ án nghiêm trọng kể trên, sở dĩ đến tận hôm nay vẫn còn rất nóng là bởi dư luận không tin chỉ một mình Duy lại làm được toàn bộ những việc tày trời đó. Ai đã tiếp tay cho Duy? Tại sao trong một thời gian dài Duy - vốn chỉ là nhân viên - lại được quyền tung tác, thao túng quá trình kiểm tra hàng hóa? Tại sao lại không có ai khác liên đới mà chỉ mình Duy lãnh án?... là những câu hỏi chưa có trả lời.

Còn trong nội bộ Cục Hải quan TPHCM, vì vụ việc này mà ông Đinh Ngọc Thắng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, ứng viên số 1 cho vị trí Cục trưởng - bị Cơ quan Điều tra 4 lần mời lên làm việc nhưng có tới 2 lần ông này không đến. Vì việc này, ngày 24.10.2016, Cục Hải quan TPHCM đã phải có văn bản số 2890/HQHCM-TCCB gửi Cơ quan An ninh điều tra giải trình một số lý do như đi công tác, sức khỏe không bảo đảm...

Quyết định điều động Duy về Đội Kiểm soát Hải quan do ông Đinh Ngọc Thắng ký. Ảnh: L.N

Lật dở lại toàn bộ quá trình công tác của ông Thắng và Duy sẽ thấy vô số nút giao tương đồng. Ví dụ, ông Thắng có thời gian dài là lãnh đạo tại Chi cục Hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất, còn Duy khi ấy là nhân viên. Ngày 19.9.2014, ông Thắng được phân công phụ trách Đội Kiểm soát Hải quan thì đúng ngày hôm đó, ông Thắng là người ký Quyết định điều chuyển ông Duy từ Chi cục Hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất về Đội Kiểm soát Hải quan...

Không chỉ vậy, theo báo cáo ngày 4.10.2016 của Phòng tổ chức cán bộ Cục Hải quan thành phố thì chỉ trong 3 năm, ông Đinh Ngọc Thắng đã 8 lần đi nước ngoài trong đó 3 lần đi sai phép. Tuy nhiên, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục phụ trách đã kết luận trường hợp ông Thắng “là đúng theo quy định”.

Còn theo một báo cáo của Ban tổ chức, Đảng ủy Cục Hải quan TPHCM cũng về việc này thì Ban tổ chức đã kiểm tra hồ sơ và phát hiện không có tên ông Thắng trong báo cáo Bảo vệ chính trị nội bộ về tình hình đảng viên đi nước ngoài suốt từ năm 2014 đến 2016. Báo cáo bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng ủy Cục gửi Thành ủy hàng quý cũng không có tên ông Thắng dù trên thực tế ông này đã đi tới 8 lần...

Thế nhưng, bất chấp những lình xình kể trên, nói như ông Lê Đình Lợi - Phó Cục trưởng Hải quan TPHCM trong buổi làm việc với PV Báo Lao Động, thì hiện tại, ông Thắng là ứng viên duy nhất được lấy phiếu tín nhiệm vào vị trí Cục trưởng (vốn bị bỏ trống suốt 2 năm qua) với số phiếu đồng thuận khá cao, trên 70%.

Vậy cuộc lấy phiếu tín nhiệm hồi đầu tháng 5.2017 này và cả những cuộc lấy phiếu tín nhiệm thăm dò diễn ra trước đó có thực sự công khai minh bạch?

Báo Lao Động sẽ thông tin trong bài viết tiếp theo...

Tác giả: Long Nguyễn

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP