Tình trạng xâm nhập mặn ngày càng đáng ngại |
Những ngày qua, nước sông Cẩm Lệ xảy ra hiện tượng xâm nhập mặn, độ mặn tại cửa thu của Nhà máy nước Cầu Đỏ tăng cao so với thời điểm bình thường, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn cấp nước của cả TP Đà Nẵng.
Theo báo cáo thủy văn tháng 5 của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, tại khu vực Đà Nẵng, tình trạng xâm nhập mặn ở hạ lưu các sông khả năng tăng trong tháng tới. Lưu lượng dòng chảy trung bình tháng 5/2023 trên sông Vu Gia tại Thành Mỹ ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, thiếu hụt 69%. Hiện mực nước trên các hồ chứa thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia ở mức thấp hơn từ 3 - 20m so với mực nước bình thường, dung tích các hồ 54 - 90% so với dung tích bình thường. Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ cảnh báo tình trạng xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng xấu đến nguồn nước phục vụ sản xuất sinh hoạt tại địa phương.
Trước tình hình trên, Sở Xây dựng có công văn gửi Cty CP Cấp nước Đà Nẵng đề nghị đảm bảo an toàn nguồn nước cho TP. Cty cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình nhiễm mặn tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ và mực nước tại đập dâng An Trạch; vận hành tối đa năng lực hiện có của các trạm bơm phòng mặn trong trường hợp nước sông Cẩm Lệ bị nhiễm mặn nặng.
Quá trình vận hành, nếu xác định có nguy cơ thiếu nước, Cty khẩn trương báo cáo Sở Xây dựng để kịp thời tham mưu phương án phù hợp, không để bị động trong việc triển khai các giải pháp cấp nước cho TP. Theo quy trình vận hành, khi độ mặn nước sông Cẩm Lệ tại khu vực cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ thấp hơn 200mg/l, Cty CP Cấp nước Đà Nẵng lấy nước trực tiếp từ sông Cẩm Lệ.
Khi độ mặn nước sông Cẩm Lệ từ 200 - 1.000mg/l, Cty điều chỉnh giảm lưu lượng nước được lấy trực tiếp từ sông Cẩm Lệ và lấy nước sông Yên từ trạm bơm phòng mặn An Trạch. Khi độ mặn nước sông Cẩm Lệ lớn hơn 1.000mg/l, Cty đóng kín cửa thu nước tại sông Cẩm Lệ và bơm nước sông Yên với công suất tối đa từ trạm bơm phòng mặn An Trạch.
Trường hợp trong 24 tiếng đồng hồ liên tục, độ mặn nước sông Cẩm Lệ vẫn lớn hơn 1.000mg/l, mà việc khai thác nước từ trạm bơm phòng mặn An Trạch không đủ cung cấp nước, Cty phải báo cáo để Chủ tịch UBND TP xem xét, quyết định điều chỉnh chế độ vận hành xả nước của các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia để giảm mặn theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Chưa vận hành vì còn một số vướng mắc
Để đảm bảo cấp nước an toàn, tránh phụ thuộc nguồn nước sông Cẩm Lệ như hiện nay, Đà Nẵng đã cho xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên, lấy nguồn nước từ sông Cu Đê (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang).
Dự án có vốn đầu tư 1.170 tỷ đồng, công suất 120.000m3/ngày đêm, khởi công xây dựng ngày 25/3/2020. Sau nhiều năm xây dựng, dự án hoàn thành tháng 3/2022. Tuy nhiên, đến cuối 2022, Đà Nẵng vẫn chưa biết bàn giao tài sản này cho đơn vị nào quản lý, khai thác. Cuối tháng 3/2023, dự án mới chính thức khánh thành, lại tiếp tục gặp vướng ở cơ chế vận hành.
Đã hoàn thành hơn năm nay nhưng Nhà máy vẫn chưa được đưa vào vận hành. |
Thời điểm này, Cty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã cổ phần hóa, trong khi đó, Nhà máy nước Hòa Liên được đầu tư công nên không thể giao cho DN cổ phần quản lý, vận hành. Do đó, ngày 9/12/2022, Chủ tịch UBND TP đã ban hành quyết định bổ sung nhiệm vụ với Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị trực thuộc Sở Xây dựng, quản lý Nhà máy nước. Đơn vị này bị đánh giá chưa có kinh nghiệm quản lý vận hành Nhà máy nước, cũng không có nhân lực đáp ứng nhiệm vụ mới. Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP từng nói: “Đây là một tài sản lớn nhưng Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị chỉ mới có chức năng, nhiệm vụ thôi. Sau khi UBND TP thông qua phương án khai thác vận hành, mới tuyển người vào”.
Ông Minh đề nghị trong quá trình khai thác vận hành, Sở Xây dựng phải mời Cty Cấp nước vào cùng giám sát, để đảm bảo quá trình vận hành an toàn, tiết kiệm, hiệu quả nhất.
Còn nguyên nhân khác là Nhà máy nước Hòa Liên đang vướng trong vấn đề kế hoạch phát triển hệ thống cấp nước TP.
Sau khi hoàn thành cổ phần hóa, tháng 11/2016, Dawaco đã tập trung đầu tư xây dựng phát triển hệ thống cấp nước. Đến nay, DN này đã cơ bản hoàn thành các dự án đầu tư theo kế hoạch phát triển cấp nước của TP (Quyết định 294 ngày 21/01/2020 của UBND TP ban hành kế hoạch phát triển hệ thống cấp nước Đà Nẵng giai đoạn 2020 - 2025). Tổng nguồn vốn Dawaco đã đầu tư phát triển hệ thống cấp nước gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay 678,5 tỷ đồng, vốn tự có gần 300 tỷ. Thời gian trả nợ gốc và lãi vay được tính đến 2033. Nguồn trả nợ hình thành từ việc kinh doanh nước sạch khai thác từ các dự án đã đầu tư.
Để hài hòa lợi ích các bên và phát huy hiệu quả việc đầu tư xây dựng các nhà máy nước trên địa bàn, Dawaco đề xuất phương án khai thác Nhà máy nước Hòa Liên theo từng giai đoạn. Trước mắt trong 2023, khai thác 30.000m3/ngày đêm; sau đó, nâng dần theo từng năm và đến 2028 khai thác 120.000m3/ngày đêm.
Lúc này, Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị, đơn vị được giao quản lý vận hành Nhà máy nước Hòa Liên lại đề xuất công suất khai thác 60.000m3/ngày đêm, gấp đôi so với phương án đề xuất của Dawaco. Từ 2024 trở đi, sản lượng sản xuất bình quân của Nhà máy nước Hòa Liên tương đương tỷ lệ giữa nhu cầu dùng nước toàn TP với tổng công suất thiết kế của các nhà máy.
Tuy nhiên, nếu thực hiện theo phương án này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Dawaco, có thể dẫn đến tình trạng không cân đối được nguồn trả nợ gốc và lãi vay.
Trong khi đó, ngày 30/3/2023, Sở Xây dựng mới có văn bản gửi các sở, ngành xin ý kiến về phương án khai thác Nhà máy nước Hòa Liên. Ngày 7/4/2023, Sở Xây dựng có văn bản gửi các đơn vị lấy ý kiến về việc “xác định vùng phục vụ cấp nước của Nhà máy nước Hòa Liên và công suất khai thác”, gửi về Sở Xây dựng trước 15/4/2023. Như vậy, tới nay, Đà Nẵng vẫn chưa có phương án khai thác công trình này.
Tác giả: Vũ Vân Anh
Nguồn tin: baophapluat.vn