Xã hội

Nguy cơ Khu di tích Mỹ Sơn sụp tháp B3

Được xây dựng vào cuối thế kỷ X, tháp B3 là một công trình hiếm hoi còn tương đối nguyên vẹn tại khu di tích Mỹ Sơn.

Tháp B3 bị nghiêng, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

“Nhiều chỗ bị rạn nứt, cá biệt có khe nứt dài 6m, rộng 18cm, sâu 1,2m; toàn bộ thân tháp đang nghiêng 5 độ về hướng Tây Nam…”, đây là thông tin đáng lo ngại từ Ban quản lý Di sản Văn hóa thế giới (BQL) Mỹ Sơn về thực trạng ngôi tháp Chăm B3 Mỹ Sơn - một trong những ngôi tháp hiếm hoi còn nguyên vẹn hiện nay trong quần thể khu đền tháp Chăm Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).

Nguy cơ sụp đổ

Được xây dựng vào cuối thế kỷ X, tháp B3 là một công trình hiếm hoi còn tương đối nguyên vẹn tại khu di tích Mỹ Sơn. Từ đầu thế kỷ XX đến trước năm 1945, các chuyên gia Pháp, thuộc Trường Viễn đông bác cổ Pháp (EFEO) và các chuyên gia Việt Nam đã phát quang, đo vẽ, khảo tả, nghiên cứu công trình này. Khoảng năm 1992, tháp B3 đã ở trong tình trạng nghiêng nhẹ. Thời điểm này, kiến trúc sư người Ba Lan Kazik đã thực hiện việc xây tường gia cố ở hướng Tây bằng xi măng và kiềng chân tháp để nâng đỡ B3, nhưng vẫn không ngăn được tháp nghiêng lún. Năm 2006, các chuyên gia Nhật Bản cũng đã tiến hành khoan tầng địa chất tại khu vực tháp và phát hiện mạch nước ngầm từ suối khe Thẻ (nhánh phía Tây) gây thấm, ảnh hưởng đến chân tháp. Đặc biệt, tháng 9-2013, Viện Khoa học công nghệ (Bộ Xây dựng) cũng tổ chức đào thám sát tại cửa tháp B3, khoan thăm dò tại các điểm B3, B5 và khe suối… để tìm phương án chống đỡ.

Ông Phan Hộ, Giám đốc BQL Mỹ Sơn cho biết, tháp B3 đang nghiêng về hướng Tây Nam (hướng ra suối), ở hai mặt tường phía Đông và Tây có các vết nứt từ đỉnh đến móng công trình, có chỗ vết nứt tách đôi công trình và ngày càng rộng, một số điểm có thể thấy được ánh sáng xuyên qua tường. Bên cạnh đó, phần thân tháp cũng đang bị côn trùng, thực vật, nấm mốc xâm hại; 2 trụ trang trí phía tiền sảnh đang có nguy cơ ngã đổ; khung cửa nghiêng về mặt Tây Nam, đà bị gãy đôi; lỗ thông nơi đỉnh tháp bị nới rộng do gạch rơi, mỗi khi mưa gió, lòng tháp bị nước chảy vào đẫm ướt. “Ngoài những ảnh hưởng bởi bom đạn thời chiến tranh mà hậu quả còn lại là hố sâu cách tháp khoảng 6m, thì nguyên nhân rạn nứt và nghiêng lún tháp B3 chủ yếu do nền đất yếu và sự xâm thực từ dòng suối khe Thẻ tác động vào. Hiện tại, dòng suối đã ăn sâu vào gần đến chân tháp, có nơi chỉ còn cách tường bao vài mét... Có thể thấy, việc nghiêng lún của tháp B3 dù rất chậm nhưng vẫn âm thầm xảy ra, nếu không có giải pháp kè chống, định vị cấp thiết, về lâu dài nguy cơ sụp đổ là khó tránh khỏi”, ông Hộ cho biết.

Hiện BQL Mỹ Sơn đã đề xuất phương án cấp thiết nhằm bảo vệ tháp, như dùng trụ thép chống đỡ cho tháp từ phía bên ngoài, nhưng chỉ mang tính tạm thời, về lâu dài các cơ quan chuyên môn như Sở VHTT-DL, Bộ VHTT-DL cần có những giải pháp cấp thiết lâu dài để bảo vệ tháp.

Nhanh chóng tìm giải pháp

Mới đây, tháng 3-2018, sau đợt khảo sát khẩn cấp tháp B3, BQL Mỹ Sơn đã có công văn đề nghị Sở VHTT-DL Quảng Nam xem xét có giải pháp chống đỡ cấp thiết tháp B3 trước khi xây dựng dự án bảo tồn tháp B3 theo quy định. Cụ thể, cần triển khai các biện pháp chống đỡ khẩn cấp, đồng bộ cả bên trong lẫn bên ngoài tháp, như biện pháp địa kỹ thuật, gia cố hệ móng công trình, gia cố địa tầng và phía tiếp giáp lòng suối; trùng tu phần thân tháp và mái tháp, phần tiền sảnh, bậc cấp vào tháp…

Theo ông Phan Hộ, mong muốn hiện nay là các giải pháp chống xuống cấp được phê duyệt nhanh để BQL Mỹ Sơn phối hợp với đơn vị tư vấn và thi công thực hiện trước mùa mưa. Hiện BQL cũng đã đề xuất phương án cấp thiết như dùng trụ thép chống đỡ từ phía bên ngoài để ngăn chặn tình trạng nghiêng và nguy cơ đổ ngã.

Ngày 11-4 vừa qua, Cục Di sản đã có công văn đề nghị Sở VHTT-DL Quảng Nam phối hợp với BQL Mỹ Sơn tiến hành chống đỡ tạm thời di tích tháp B3, khẩn trương lập hồ sơ, đề xuất giải pháp gia cố, chống xuống cấp di tích, trình UBND tỉnh và Bộ VHTT-DL xem xét triển khai thực hiện trước mùa mưa bão. Đặc biệt, Bộ VHTT-DL cũng đã bố trí nguồn vốn chương trình mục tiêu năm 2018 là 1,5 tỷ đồng để gia cố móng và chống đỡ tháp.

Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VHTT-DL Quảng Nam, cho biết cách đây 1 tháng sở đã mời đơn vị tư vấn là Viện Khoa học công nghệ, văn phòng Huế (Bộ Xây dựng) vào khảo sát lập hồ sơ thiết kế đưa ra giải pháp để sở báo cáo với tỉnh trình Bộ VHTT-DL thẩm định thông qua. “Hiện đã có thiết kế rồi, đang chờ bộ thông qua, dự kiến qua lễ bắt đầu triển khai làm. Trước tiên sẽ phải chống đỡ cấp thiết tháp B3 nhằm phòng ngừa những tình huống xấu nhất xảy ra, còn về lâu dài chắc chắn phải có phương án thiết kế cụ thể từ những đơn vị tư vấn đủ năng lực”, ông Hồ Tấn Cường nói.

Tác giả: NGỌC PHÚC

Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP