Kinh tế

Nguy cơ khan hiếm nguyên liệu khi diện tích mía đường thu hẹp

Trong mấy năm trở lại đây diện tích mía nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh liên tục giảm sút, kéo theo năng suất và sản lượng không đạt yêu cầu. Điều này đang gây nên tình trạng khó khăn cho ngành mía đường của tỉnh, nhất là khi các nhà máy đường chuẩn bị bước vào vụ ép mới.

Vụ ép 2015 – 2016 năm ngoái, vùng nguyên liệu mía của tỉnh giảm gần 5000 ha. Đây được xem là vụ ép có sự giảm sút nguyên liệu nhiều nhất. Việc thu hẹp diện tích đã kéo theo sản lượng mía cũng giảm trên 208.000 tấn so với vụ ép 2014 – 2015. Theo nhiều hộ nông dân thì hiện nay công lao động cho việc trồng mía quá cao và khan hiếm, nhất vào thời vụ thu hoạch. Việc thuê giá nhân công cao, chi phí sản xuất lớn đã khiến cho nhiều hộ từ bỏ cây mía vì không đưa lại hiệu quả kinh tế.

Theo chia sẻ của ông Lê Văn Nhân – người dân xóm 2, xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn: “Nông dân chúng tôi hiện vào vụ thu hoạch rất khan hiếm nhân công lao động. Thanh niên đi hết làng chỉ có người già, thuê giá cao, nên nhiều người cũng đã không còn làm mía vì tính toán thấy không lãi nữa.”

Điều kiện chăm sóc cây trồng gặp khó, diện tích mía nguyên liệu đang dần bị thu hẹp.


Bên cạnh đó thì hệ thống hạ tầng giao thông trong vùng nguyên liệu mía đang là vấn đề khó khăn mà người nông dân phải đối mặt. Hiện nay những vùng thuận lợi đã hết còn lại vùng sâu, vùng xa đường giao thông khá vất vả. Vào vụ thu hoạch đường sá không thuận lợi, người dân phải bỏ thêm chi phí vận chuyển mía ra khỏi vùng bởi vậy đây cũng là nguyên nhân nhiều vùng nguyên liệu bị thu hẹp.

Một trong những nguyên nhân tác động đến diện tích vùng nguyên liệu bị thu hẹp, ông Hồ Kỳ Hào – người dân xóm Phú Lợi, xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn: “Hiện nay đường giao thông vào các vùng thung ổ voi, trơn trượt không phương tiện mô vô được kiến người dân nản. Mặc dù nông dân rất mong muốn làm mía nhưng giao thông khó khăn như thế thì chi phí đội lên cũng rất khó.”

Giao thông khó khăn là một trong những nguyên nhân khiến người dân không còn mặn mà trong sản xuất mía nguyên liệu.


Việc giảm sút vùng nguyên liệu mía trong thời gian qua còn do việc nông dân ồ ạt chuyển đổi sang loại cây trồng khác. Theo khảo sát thì trong những năm gần đây vùng Phủ Quỳ có xu hướng chuyển dịch mạnh về trồng cây có múi như: Cam, quýt, bưởi... những loại cây đang cho thu nhập cao so với cây mía. Xóm Tàu - xã Nghĩa Xuân huyện Quỳ Hợp nhiều năm trước luôn duy trì 100 ha mía nhưng 2 năm nay đã giảm 30 ha để nhường cho các loại cây có múi.

Ông Nguyễn Tư Phương - Xóm trưởng xóm Tàu, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp chia sẻ: “Do lao động thiếu và người dân thấy cây có múi lợi nhuận hơn nên đã tự ý chuyển đổi. Mặc dù chúng tôi có khuyến cáo là chuyển đổi từ từ nhưng hầu hết theo phong trào để chuyển đổi.”

Nhiều diện tích mía nguyên liệu đã được người dân chuyển đổi cây trồng.


Trong số 3 nhà máy trên địa bàn của tỉnh thì nhà máy đường NaSu có công suất lớn nhất với 1 triệu tấn/năm. Nhà máy lớn, hiện đại, công suất cao đi cùng với đó là vùng nguyên liệu rộng lớn. Tuy nhiên trong 3 năm trở lại đây vùng mía nguyên liệu của NaSu đã giảm 6000 ha và hiện nay chỉ còn 13.200 ha. Do vùng nguyên liệu bị thu hẹp nên công suất của nhà máy cũng chỉ phát huy được 60%. Nhiều niên vụ ép nhà máy phải kết thúc sớm hơn so với dự kiến vì thiếu nguyên liệu. Bên cạnh việc khan hiếm nguyên liệu thì bước vào vụ ép này, nhà máy đang phải đối mặt với tình trạng tranh mua nguyên liệu từ các nhà máy khác trong vùng.

Nhận định của ông Anthony John Maple - Tổng Giám đốc Công ty TNHH mía đường Nghệ An: “Hiện nay nguy cơ mất nguyên liệu của nhà máy rất cao khi liên tiếp có thêm nhiều dự án nông nghiệp cạnh tranh được phê duyệt trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Bên cạnh đó như năm ngoái nhà máy đường Sông Con, Năm ngoái chúng tôi mất 85.000 tấn mía cho nhà máy Sông Con, vì họ vào mua nguyên liệu chíêm 14% tổng sản lượng mía. Việc giảm sút nguyên liệu nhanh từ 18.500 ha nay chỉ còn hơn 13.000 ha nhưng cũng nhận được sự trợ giúp từ chính quyền.”

Nhiều hộ nông dân trồng mía lâu năm cũng rất băn khoăn khi một số nhà máy đường và chính quyền vẫn chưa đồng hành để đưa ứng dụng khoa học vào sản xuất. Bên cạnh đó dịch bệnh, hạn hán cũng là trở ngại lớn cho việc đảm bảo năng suất cho vụ ép mới của ngành mía đường.

Nói về những khó khăn tác động đến năng suất cây trồng, ông Nguyễn Hồng Đức - Xóm Quyết Tiến, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp cho biết: “Năm nay do nắng hạn kéo dài ảnh hưởng đến năng suất cây mía, mọi năm đã cao lắm rồi năm nay hiện vẫn còn rất thấp. Còn theo ông Nguyễn Quang Sơn - Xóm Hòa Tiến, xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn: “Có lẽ nên đầu tư cho nước tưới. Chỗ có nước thì cây lên nhanh,còn diện tích nào ít nước cây thấp, chưa phát triển được.”

Với việc giảm sút nhanh chóng của vùng nguyên liệu mía hiện nay, các nhà máy đường trên địa bàn đang mong muốn ổn định được vùng nguyên liệu. Nếu không kịp thời quy hoạch sẽ bị chồng lấn trên diện tích của nhiều loại cây trồng khác.

Ông Phan Văn Hòa - GĐ Nông nghiệp Công ty cổ phần mía đường Sông Lam đề xuất: “Chúng tôi kiến nghị các cấp chính quyền quan tâm tạo điều kiện để hoàn thành quy hoạch mía đường, ổn định để có được diện tích phát triển của nhà máy và tránh xâm lấn của nhau trong quy hoạch.”

Theo kế hoạch của vụ ép 2016 – 2017, tổng diện tích mía nguyên liệu đạt 22.300 ha, năng suất mía đạt bình quân trên 53 tấn/ha, sản lượng mía đạt trên 1 triệu 190 nghìn tấn. Tuy nhiên đó chỉ là dự kiến từ đầu vụ, còn với tình hình hiện nay thì kế hoạch trên rất khó có thể đạt được và các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh lại tiếp tục đối mặt với những khó khăn do khan hiếm nguyên liệu khi bước vào vụ ép mới.

Tác giả bài viết: Sỹ Đức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP