New Zealand nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng với những kiến trúc địa phương độc đáo thu hút hàng triệu du khách khắp nơi. Nhưng có một điều ít người để ý - kể cả du khách lẫn dân bản địa - tại sao lại có cái tên New Zealand (Zealand Mới)?
New Zealand gồm hai phần chính là Đảo Bắc và Đảo Nam. Ảnh: Culture Trip. |
Vậy đâu là Old Zealand? Theo Culture Trip, thông thường các địa danh trên thế giới gắn với từ "new" thường được đặt theo một địa danh cũ. Ví dụ New York, New Hampshire, hay New England bắt nguồn từ vùng York, Hampshire hay England. Nhưng New Zealand xưa kia được người Maori bản địa gọi là Aotearoa (Vùng đất của dải mây trắng).
Tiếng Anh là quốc ngữ ở New Zealand nhưng người Anh không phải là những người châu Âu đầu tiên đến đây. Thuyền trưởng người Hà Lan, Abel Tasman, mới là người ngoại quốc đầu tiên đặt chân lên vùng đất này vào những năm 1640, hơn một thế kỷ trước chuyến đi của thuyền trưởng James Cook.
Hồ Wakatipu ở Queenstown vào mùa thu. Ảnh: Queenstownnz. |
Sau một hành trình dài, Tasman và thủy thủ đoàn nghĩ rằng họ vừa đến Staten Landt, hòn đảo ngoài khơi Argentina. Nhưng hai nhà bản đồ Hà Lan, Hendrik Brouwer và Joan Blaeu, phát hiện ra rằng những hòn đảo lớn này không phải là một phần của Nam Mỹ.
Do đó, Blaeu đã đặt tên vùng đất mới là Nieuw Zeeland, theo tên của Zeeland, tỉnh cực tây của Hà Lan. Zeeland cũng có nghĩa là "vùng lãnh thổ biển" trong tiếng Hà Lan.
Dù có chút nhầm lẫn về vị trí của vùng đất mới, Abel Tasman vẫn được ghi nhận là nhà thám hiểm đầu tiên của đất nước xinh đẹp này. Vùng biển Tasman nằm giữa Australia và New Zealand, cũng như hòn đảo Tasmania nổi tiếng, được đặt theo tên vị thuyền trưởng này.
Đến những năm 1770, thuyền trưởng James Cook và đoàn thám hiểm trong hành trình vẽ con đường Venus từ Nam Thái Bình Dương đã vô tình thấy Nieuw Zeeland. Ông đã đặt cho nó một cái tên theo kiểu Anh là New Zealand, địa danh quen thuộc với tất cả mọi người từ đó về sau.
Tác giả: Trường Đặng
Nguồn tin: Báo VnExpress