Theo thông báo mới nhất từ hệ thống, từ nay, các game thủ Việt đã có thể mua bán các trò chơi bản quyền trên cửa hàng trực tuyến này bằng tiền Việt, thay vì sử dụng USD bằng thẻ thanh toán quốc tế hay các phương thức trung gian như trước. Trong tương lai gần, các thẻ nạp tiền cho ví Steam Wallet trên hệ thống cũng sẽ được bán hoặc tích hợp với thẻ cào điện thoại, thông qua việc hợp tác với các nhà mạng ở Việt Nam.
Thông báo trên trang chủ Steam. |
Đây là điều mà cộng đồng game thủ Việt đã mong chờ khá lâu, kể từ khi Steam chính thức xuất hiện 14 năm trước. Là cửa hàng bán game trực tuyến lớn nhất thế giới, Steam có đủ các loại trò chơi từ offline tới online, được bán thông qua các mã code để người dùng mở khóa sản phẩm sau khi tải về.
Cùng với thời điểm thay đổi hình thức thanh toán này, Steam đã hạ giá bán một loạt các trò chơi được nhiều người Việt đang rất ưa thích từ 30% đến gần 70% như CS:GO, PlayerUnknown's Battlegrounds, Nioh: The Complete Edition...
Tuy nhiên, vẫn còn một số sản phẩm chưa được hỗ trợ để chuyển sang tiền Việt. Các trò chơi này sẽ không hiện nút mua và giá tiền cho tới khi được hệ thống cập nhật. Với những người đã có sẵn tài khoản và tiền (USD) trong hệ thống, Steam sẽ tự quy đổi sang tiền Việt với tỷ giá thị trường tại thời điểm tiền hành giao dịch. Một trò chơi trên Steam có giá dao động trong khoảng từ 0 USD (miễn phí) cho tới 60 USD.
Thẻ điện thoại cũng có thể sử dụng để mua game bản quyền trong tương lai. Trên trang web của Steam, tên nhà mạng Viettel bị ghi nhầm. |
Trong vài năm trở lại đây, phong trào mua game bản quyền trong cộng đồng game thủ Việt đang dần được nâng cao thay vì thói quen sử dụng game lậu như trước. Một phần bởi khả năng chi tiêu của người dùng dần được cải thiện, nhưng nguyên nhân chủ yếu được cho là việc các nhà phát hành lớn đã khéo léo hơn trong việc bán sản phẩm thông qua các kênh trực tuyến như Steam với độ bảo mật cao, khiến người chơi khó có thể lách luật. Tất nhiên, vẫn có một số biện pháp để giảm chi phí như mua qua trung gian, hoặc sử dụng tài khoản thẻ tín dụng đã bị hack được bán lại với nguy cơ rủi ro cao.
Tác giả: Mai Anh
Nguồn tin: Báo VnExpress