Giới trẻ

Người trẻ “bán mình” cho nút “like” là sự nguy hiểm của xã hội?

Khi chứng kiến câu chuyện một thanh niên 24 tuổi sẵn sàng đổ dầu lên người tự thiêu để “câu” 40.000 like (thích) trên trang cá nhân, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đã thốt lên “Văn hoá và đạo đức của giới trẻ bây giờ xuống cấp lắm rồi. Ai cũng có thể liều mình vì mấy cái nút “like” vô bổ, vô thực”.

Liều mạng vì “like”

Thực tế, câu chuyện một anh chàng 24 tuổi tẩm dầu tự thiêu ở cầu Tân Hoá TP.HCM vào trung tuần tháng 9 vừa qua vì lời hứa “đủ 40.000 like sẽ tự thiêu” chẳng qua chỉ là giọt nước tràn ly. Trước đó, dư luận đã không ít phen ồn ã vì những câu status (câu chia sẻ) “câu” like đầy kinh dị và liều lĩnh của nhiều bạn trẻ trên mạng xã hội. Người ta không khó để có thể bắt gặp những status dạng như: “7000 like, 77 comment, 777 share mình sẽ không mặc gì, chạy 7 vòng quanh trường Đại học…. Nói là làm”; “Chỉ cần hình này được 2000 like là mình sẽ up clip sexy dance, 5000 thì chơi hẳn clip ngực trần"; “Khi nào đủ 10k like mình sẽ ăn son và đăng clip cho mọi người cùng xem”, “60 like và 15.000 share sẽ mặc đồ lót nhảy cầu và uống hết một ca nước sông”, “Chỉ cần 10 like để phóng cả người và xe xuống cống”...

Và đau lòng hơn cả chính là câu chuyện của cô học sinh lớp 8 ở Khánh Hoà, vì lỡ tuyên bố “đủ 1.000 like sẽ châm lửa đốt trường” trên Facebook mà bị bạn bè ép phải đốt trường thật dẫn đến bị bỏng nặng ở hai chân.


Status câu like gây rúng động của nam thanh niên 24 tuổi ở TP.HCM. Ảnh: TL.

Hoa hậu Ngọc Hân cho rằng, câu chuyện “liều mạng vì nút like” đang trở nên nhan nhản mỗi ngày trên mạng xã hội. Nó đang trở nên vô cùng nguy hiểm bởi chưa có ai đứng ra ngăn cản và nếu có ngăn cản cũng cực kỳ khó bởi họ ở khắp mọi nơi trên đất nước này. Thậm chí, phản ứng của đám đông hỗn độn trên mạng lại là sự hiếu kỳ khiến con số “like” của những status đó tăng lên.

“Tôi thật sự không hiểu nổi vì sao họ lại dễ dàng bán rẻ nhân phẩm, danh dự và mạng sống của mình để lấy mấy nghìn lượt like ảo. Và thật sự rất đáng sợ khi con số like chỉ là ảo nhưng việc họ làm lại là thật và những việc làm đó vô cùng nguy hiểm. Những bài học đau lòng xảy ra hôm qua, hôm kia ở Khánh Hoà, TPHCM… vẫn chưa đủ để thức tỉnh những bạn trẻ đang có vấn đề về năng lực nhận thức, về sự trượt dốc văn hoá”, Ngọc Hân nói.

Tương tự như Hoa hậu Ngọc Hân, nhà văn Di Li cũng cho rằng, chị đã từng kinh ngạc không ít lần khi vô tình đọc được những câu chuyện về các “hiện tượng mạng” như: Bà Tưng, Lệ Rơi, Kenny Sang, Sơn Tùng… gần đây. Tuy nhiên, những “hiện tượng mạng” này cũng mới chỉ khiến chị dừng ở mức “cười nhạt” rồi bỏ qua như những thứ vô bổ mà đời sống ở xã hội nào cũng phải có. Chỉ đến khi chứng kiến tận mắt các “vụ án liều mạng” phía sau các “status 1000 like” gần đây thì chị thực sự cảm thấy kinh hãi. Chị kinh hãi bởi các bạn trẻ ngày ngay coi mạng sống của mình rẻ rúng tới mức khó tin. Và càng kinh hãi hơn khi những “trò lố” này lại được một đám đông giấu mặt đứng phía sau ủng hộ, đả kích và uy hiếp.

Sự xuống cấp trầm trọng về văn hoá, đạo đức

GS.TS Tâm lý Vũ Gia Hiền nhận định, trong tâm lý học người ta gọi đây là một trạng thái “kích thích ảo”. Bắt đầu là sự ham muốn, sau đó là sự kích thích ảo. Sự kích thích ảo đó sẽ thâm nhập dần dần vào vỏ não khiến cho người ta nghĩ đấy là thật và không thể kiểm soát được hành động của bản thân. Có thể gọi đó là hiện tượng “chuyển từ ảo sang thực”.

Tình trạng này kéo dài sẽ khiến người trẻ đánh mất bản thân, không đạt được mục đích thì trở nên hoảng loạn, đạt được mục đích thì lại phải trả giá bằng rất nhiều thứ. Về lâu dài có thể trở nên cuồng tính.

Theo GS. TS Vũ Gia Hiền khi người trẻ có những hiện tượng như thế thì gia đình, đặc biệt là bạn bè phải bằng mọi cách khuyên ngăn họ. Ngoài ra, cũng nên tác động để họ rời xa dần những phương tiện khiến cho họ bị ảo nhiều hơn.

Hành động đốt trường của cô bé lớp 8 ở Khánh Hoà bị nhiều người lên án. Ảnh: TL.

Tiến sĩ Mỹ học Nguyễn Thế Hùng lại cho rằng, đây là một sự xuống cấp trầm trọng về đạo đức, giáo dục, văn hoá, lý tưởng sống của một bộ phận người trẻ. Tuy nhiên, ông Hùng cũng nhìn nhận, những “trào lưu” này là hệ quả tất yếu của sự xung động tâm lý lứa tuổi và thời đại. Và trong số đó cũng có tính chất “anh hùng rơm” của một bộ phận cư dân mạng, muốn thể hiện cái tôi một cách điên rồ.

Tất cả những trò câu like đó đều là hành động dại dột và khó lòng chấp nhận. Nguyên do một phần bởi gia đình và nhà trường thiếu sự kết hợp giáo dục về ứng xử, cách sống… dẫn đến sự lệch lạc về tư tưởng đạo đức. Toàn thể xã hội thiếu quan tâm một cách tích cực đến việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự vệ, kỹ năng quản trị cảm xúc, kỹ năng quản trị cuộc đời… khiến một bộ phận cư dân mạng có những hành động bồng bột, dại dột, làm điều thiếu suy nghĩ. Những hành động này không chỉ gây hại cho bản thân mà còn làm tổn thương gia đình và gây rối xã hội.

Theo TS Nguyễn Thế Hùng cần phải nghiêm trị những hành động dại dột này và có cách giáo dục về văn hoá - văn minh mạng. Nghĩa là cần phải tác động nhiều hơn để người trẻ sử dụng cái đẹp trên mạng để phục vụ cuộc sống; tiếp thu và hưởng thụ những giá trị sáng tạo của nhân loại để nâng cao chất lượng cuộc sống trong kỷ nguyên của thế giới phẳng.

Tiến sĩ Mỹ học này cũng cho rằng, các bạn trẻ ngày này cần phải tỉnh táo, tránh bị đầu độc bởi những giá trị ảo dẫn đến những hành động thiếu suy nghĩ, huỷ hoại bản thân. Ngoài ra, cần phải trang bị cho mình những kỹ năng mềm để tránh sự kích động của đám đông ảo bởi sự kích động đó dễ dẫn đến những phản ứng sai lầm. Cần tìm những phương tiện giải trích văn minh như: sách báo, điện ảnh, âm nhạc… để biết giữ gìn sự quý giá của cuộc sống.

Tác giả bài viết: Hà Tùng Long

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP