Kinh tế

Người tiêu dùng hoang mang 'bỏ tiền thật' mua bình nóng lạnh 'đểu'

Bình nóng lạnh kém chất lượng gây ra cháy nổ, rò rỉ điện khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang trước tình trạng “tiền thật mà mua đồ đểu”.

Giá một đằng, bán một nẻo

Dạo quanh các cửa hàng bán bình nóng lạnh tại Hà Nội, đâu đâu cũng bày bán đầy rẫy các loại thương hiệu, nhãn hàng bình nóng lạnh.

Chị Trâm, chủ một cửa hàng kinh doanh bình nóng lạnh trên đường Nguyễn Khuyến (Hà Nội) cho hay, cửa hàng chị bày bán hơn 20 loại bình nóng lạnh, đủ các loại thương hiệu có xuất xứ từ Mỹ, Nhật, Hàn, Ý, Trung Quốc…

“Nhiều khách hàng chỉ quan tâm đến giá cả mà ít khi chú trọng đến thương hiệu nên phải nhập về nhiều loại để khách hàng có thêm sự lựa chọn”, chị Trâm giải thích.

Theo ghi nhận, trên thị trường Hà Nội hiện nay có khoảng trên 20 nhãn hàng bình nước nóng khác nhau. Giá cả và công nghệ mỗi loại một khác, giá dao động từ 2 triệu đồng đến gần 10 triệu đồng tùy theo thương hiệu, công suất và dung tích bình chứa.

Tìm đến một cửa hàng chuyên kinh doanh bình nóng lạnh trên phố Trường Chinh (Hà Nội), chúng tôi nhanh chóng bị lạc vào “ma trận” bình nóng lạnh. Nữ nhân viên đon đả giới thiệu hết chức năng nổi bật của thương hiệu này lại chuyển sang so sánh với chức năng của thương hiệu khác.

Thấy khách hàng có vẻ lưỡng lự trước chiếc bình nóng lạnh nhãn hiệu A, nữ nhân viên hồ hởi: “Hãng này có 3 loại: loại rẻ nhất 2,3 triệu đồng; loại trung bình 3,7 triệu đồng và loại đắt nhất là 7,4 triệu đồng”.

Dừng lại trước chiếc bình nóng lạnh mà nữ nhân viên giới thiệu 3,7 triệu đồng thì thấy một tem dán nhãn ghi giá niêm yết 7 triệu đồng, giá khuyễn mãi còn 6,2 triệu đồng.

binh nong lanh1
Người dùng phân vân trước "ma trận" bình nóng lạnh trôi nổi ngoài thị trường. Ảnh minh họa.

Khi chúng tôi thắc mắc, nữ nhân viên vội vàng trấn an: “Đây là giá của hãng, giá bên em bán lẻ ra thị trường rẻ hơn, đố anh tìm được chỗ nào ở Hà Nội rẻ hơn cửa hàng em. Chất lượng máy ở đây thì khỏi bàn, bảo hành cho anh 2 năm, hư hỏng gì gọi điện, em cho người đến khắc phục luôn”.

Tại đây, cũng bày bán rất nhiều linh kiện bình nóng lạnh, nữ nhân viên cho biết, giá các loại linh kiện rất rẻ, nếu ai hư hỏng bộ phận nào sẽ mang linh kiện đó đến thay đỡ phải bảo hành qua hãng.

Cũng theo chủ một cửa hàng kinh doanh bình nóng lạnh trên phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội), sở dĩ một số hãng có giá rẻ hơn giá niêm yết vì các loại máy này là máy tự lắp ráp. “Giá nhập khẩu linh kiện rẻ hơn nhập nguyên chiếc nên nhiều người mua linh kiện về lắp rồi bán, chất lượng thì tùy vào những linh kiện lắp đặt trong chiếc máy đó, đây cũng là điều kiện để hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên thị trường”, chủ cửa hàng này cho hay.

Cẩn thận kẻo mất tiền oan

Bình nóng lạnh vốn là sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn khắt khe bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người sử dụng và tiêu tốn điện năng gia đình. Tuy nhiên, lựa chọn kỹ càng như thế nào đi chăng nữa người tiêu dùng vẫn dính phải những “quả lừa” từ các cơ sở kinh doanh. Không ít những vụ nổ bình nóng lạnh hay bị điện giật trong quá trình sử dụng càng khiến người tiêu dùng hoang mang trước tình trạng “tiền thật mà mua đồ đểu”.

Trao đổi với PV về nguyên nhân những tai nạn khi sử dụng bình nóng lạnh PGS.TS Lê Công Thành, Trưởng khoa Năng lượng, Đại học Thủy lợi cho biết: “Hầu hết các loại bình nóng lạnh trên thị trường khi mới sử dụng đều không gặp sự cố do được trang bị đầy đủ các hệ thống an toàn từ nhà sản xuất. Nhưng trong tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan như hiện nay thì điều đó khó được đảm bảo”.

binh nong lanh2
Người dùng cẩn thận khi mua bình nóng lạnh kẻo 'tiền mất, tật mang'. Ảnh minh họa.

Về nguyên lý, bình nóng lạnh sử dụng điện có cấu tạo gồm: thanh đun, rơ – le, bình chứa nước giống chiếc ấm đun nước bằng điện với kích thước lớn hơn. Trong quá trình sử dụng, thanh điện trở chất lượng kém có thể xảy ra hiện tượng bị bám lớp cặn dày, nhiệt độ thanh tăng cao làm chất cặn bên trong giãn nở gây nứt vỡ vỏ thanh và rò điện ra nước. Mặt khác vỏ thanh điện trở bị ăn mòn gây thủng ống và rò điện ra nước cũng là nguyên nhân khiến người dùng bị giật điện khi đang sử dụng.

Cũng theo PGS.TS Lê Công Thành, hiện tượng bình nóng lạnh phát nổ có thể do bộ cảm biến và điều khiển nhiệt độ, rơ – le nhiệt.

“Bình thường khi nhiệt độ trong bình đặt 80oC thì rơ – le nhiệt tự động ngắt không cấp điện cho thanh gia nhiệt. Tuy nhiên, do hỏng bộ cảm biến và điều khiển nhiệt độ nên nước cứ thế tiếp tục sôi hơn 80oC và sinh ra nhiều hơi. Với lượng hơi tiếp tục tăng như vậy, chỉ sau khoảng 20 phút là bình phát nổ nếu không được phát hiện kịp thời”, Trưởng khoa Năng lượng phân tích.

Thiết nghĩ, đã đến lúc cơ quan quản lý cần siết chặt việc kiểm soát sản phẩn bình nóng lạnh nhằm ngăn ngừa, loại bỏ những sản phẩn kém chất lượng, cơ sở làm ăn gian dối, bảo vệ những cơ sở kinh doanh chân chính và người tiêu dùng. Bình nóng lạnh không đảm bảo chất lượng, quy chuẩn chẳng khác gì “quả bom” nổ chậm đang tồn tại hàng ngày, hàng giờ trong mỗi gia đình.

Tác giả bài viết: Anh Tuấn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP