Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa ra Quyết định thi hành kỷ luật Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bằng hình thức: Cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020; và cho thôi giữ chức Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.
Liên quan đến nội dung trên, sáng ngày 7/10, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Hương – nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Ông Nguyễn Đình Hương: "Kỷ luật cán bộ trẻ là rất đáng tiếc, nhưng không phải người trẻ nào cũng làm được cán bộ nếu không qua rèn luyện, thử thách". (Ảnh: Infonet). |
- Ông đánh giá thế nào về quyết định kỷ luật của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với ông Nguyễn Xuân Anh?
- Tôi cho rằng đó là quyết định kỷ luật rất sáng suốt, nghiêm khắc và kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với ông Nguyễn Xuân Anh. Từ việc này chúng ta thấy rằng Đảng đã rất nghiêm khắc trong công tác xử lý cán bộ sai phạm, không có vùng cấm.
- Từ vụ việc này, theo ông chúng ta cần rút ra những bài học nào để thời gian tới không xảy ra những trường hợp tương tự?
- Từ vụ việc kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, theo tôi chúng ta cần rút ra ba bài học kinh nghiệm. Đó là, công tác quản lý cán bộ, chọn người không đúng đưa vào cấp ủy, chọn người không qua rèn luyện thử thách, không có dấu ấn gì đối với Đà Nẵng, đó là hiện tượng “con ông cháu cha”.
Tiếp đó, Nguyễn Xuân Anh đã lên chức rồi lại không tự rèn luyện thử thách nên dẫn đến lạm dụng quyền lực để làm những chuyện không đúng, vi phạm điều lệ Đảng, vi phạm những việc người Đảng viên không được làm.
Một vấn đề nữa là cơ quan giám sát, có ủy ban kiểm tra, có ban tổ chức, có ban tư tưởng, có ban dân vận thế mà không phát hiện được những sai lầm của Nguyễn Xuân Anh để đến mức vi phạm phải kỷ luật. Tôi cho rằng, cấp trên cũng có phần trách nhiệm ở đây, tức là phải thường xuyên giám sát quyền lực của cán bộ.
Nếu giám sát không tốt, cán bộ rất dễ bất chấp dân chủ, độc đoán độc quyền, không nghe ai cả khi có quyền có chức, lạm dụng quyền lực để tham nhũng, để thu vén cá nhân.
- Đà Nẵng là một thành phố năng động, trọng điểm kinh tế của miền Trung và con người Đà Nẵng cũng rất khí phách. Vậy theo ông, người thay thế cho ông Nguyễn Xuân Anh cần những tiêu chí nào?
- Tôi đã có thời gian theo dõi Đà Nẵng lâu rồi, hồi tôi làm Phó Ban tổ chức Trung ương, Ban Bí thư giao cho tôi vào nghiên cứu, kiểm tra về tình hình mất đoàn kết nội bộ ở Đà Nẵng, lúc đó anh Nguyễn Văn Chi (cha ông Nguyễn Xuân Anh - pv) làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, thì tôi làm rất kỹ.
Cuối cùng đã phải điều ông Chi ra làm Phó trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, còn tôi lúc đó làm Trưởng ban. Thời điểm đó, Trung ương đã phải điều ông Mai Thúc Lân vào làm Bí thư thành ủy Đà Nẵng, ông Trần Quang Được vào làm Chủ tịch Đà Nẵng.
Còn bây giờ chọn ai thay thế ông Nguyễn Xuân Anh là do Bộ Chính trị quyết định, phải chọn đúng người, đúng việc.
Nhưng theo tôi, ai thay thế ông Nguyễn Xuân Anh phải có ba điều kiện, đó là: Người đó phải là trung tâm đoàn kết; gương mẫu, là tấm gương cho Đảng bộ; biết phát huy trí tuệ của Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng, phát huy sức mạnh tổng hợp, biết trọng dụng người tài thì mới đưa Đà Nẵng lên được. Ông Nguyễn Xuân Anh đã không có được 3 điều kiện này.
- Ông Nguyễn Xuân Anh là cán bộ trẻ, từng được nhiều người kỳ vọng, nhưng giờ đây phải nhận hình thức kỷ luật rất nặng. Quan điểm cá nhân ông về việc xử lý một cán bộ trẻ như vậy?
- Tôi thấy rất đáng tiếc, vì tôi rất ủng hộ cán bộ trẻ. Tuy nhiên, không phải cán bộ trẻ nào cũng làm được cán bộ nếu không qua rèn luyện thử thách.
- Xin cảm ơn ông!
Trước đó, UB Kiểm tra Trung ương đã gửi kiến nghị lên Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng đề nghị thi hành kỷ luật với ông Nguyễn Xuân Anh sau khi công bố công khai kết luận về những sai phạm của ông này trên cương vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Theo kết luận của UB Kiểm tra Trung ương, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. Những việc làm của người đứng đầu Thành ủy Đà Nẵng được cho là đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy. UB Kiểm tra Trung ương cũng xác định ông Nguyễn Xuân Anh đã kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm. Bí thư Nguyễn Xuân Anh còn thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội. |
Tác giả: Nguyễn Dương (thực hiện)
Nguồn tin: Báo Dân trí