Giáo dục

Người thầy đưa cồng chiêng của dân tộc Mường ở Hòa Bình vào trường học

Đến thăm trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Hòa Bình (Phường Tân Hòa, tỉnh Hòa Bình) không ai không biết đến thầy Nguyễn Ngọc Khiêm - một Bí thư Đoàn giỏi đã công tác tại trường 14 năm. Thầy Khiêm là người tiên phong đưa cồng chiêng - nhạc khí cổ truyền của dân tộc Mường vào trường học.

Không phải người Mường nhưng yêu văn hóa Mường

Sau khi cùng các em học sinh chào đón chúng tôi bằng một bài chiêng “Chào mừng” truyền thống của trường, thầy Khiêm cho biết tỉnh Hòa Bình có đến hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Từ bao đời nay, cồng chiêng không chỉ là một nhạc cụ tham gia vào hầu hết các hoạt động sống của người Mường từ khi sinh ra đến khi về với đất mẹ mà còn là thanh âm linh thiêng, quan trọng bậc nhất trong đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc Mường Hòa Bình. Từ những phường sắc bùa mùa xuân, đám cưới hỏi, ma chay cho tới lễ cơm mới,.. đều không thể thiếu tiếng cồng chiêng.

Tuy nhiên, nét đẹp văn hóa này càng ngày càng mai một dần, ít nhà còn đánh cồng chiêng, thậm chí nhiều nhà mang bán những bộ chiêng cổ của gia đình.

Thầy Nguyễn Ngọc Khiêm và đội cồng chiêng ở trường.

“Vì lẽ đó, có những em học sinh người dân tộc Mường đấy mà không biết gì về cồng chiêng, về văn hóa dân tộc mình cả”, thầy Khiêm kể.

Vốn là người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc hơn 20 năm nay, thầy Nguyễn Ngọc Khiêm (sinh năm 1977) có đam mê bất tận với tiếng chiêng của người Mường, với văn hóa Mường. Cứ khi nào có dịp là thầy lại tự mình tìm tòi, cũng như trao đổi thêm với các nhạc sĩ tỉnh Hòa Bình - những người chuyên nghiên cứu về âm nhạc dân gian Mường để tìm hiểu về loại nhạc khí đặc biệt này. Càng tìm hiểu, thầy Khiêm lại càng thấy rằng cần phải có cách nào đó để lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau, không thể để những giá trị truyền thống tốt đẹp này mất đi.

“Mình thì không phải người Mường đâu, nhưng chẳng hiểu sao lại yêu văn hóa Mường đến thế”, thầy Khiêm cười lớn.

Năm 2010, trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Hòa Bình tham dự Fesival các trường dân tộc nội trú toàn quốc. Thầy Khiêm vốn đã ấp ủ từ lâu ý tưởng đưa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường lên sân khấu, nhân dịp này, thầy quyết định dàn dựng tiết mục hòa tấu trống và cồng cho đội văn nghệ trường.

“Ngày ấy trường chưa có bộ cồng này, mình phải tự đi tìm và thuê bộ đầu tiên về cho các em học. Cả đội phải tranh thủ thời gian sau giờ học để tập. Cũng khá bất ngờ vì các em học rất nhanh và hào hứng, chỉ mất một tuần đầu là đội đã có thể đánh được đúng, khoảng hơn một tháng là tương đối thuần thục và có sắc thái”.

Tiết mục năm ấy THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Hòa Bình đoạt huy chương Vàng - như một phần thưởng cho nỗ lực của thầy và trò. Đó cũng là cú hích để thầy Khiêm đề nghị lên nhà trường mua riêng bộ cồng chiêng cho trường.

“Lúc đó mình chỉ nghĩ chắc chắn là phải đưa cồng chiêng vào trường. May mắn được Ban giám hiệu ủng hộ ngay lập tức”, thầy Khiêm kể.

Sau đó khi tự tay đi tìm và mua bộ cồng chiêng đầu tiên về trường, người thầy đã thành lập đội đồng chiêng của trường gồm những em có năng khiếu và cảm âm tốt, tới nay đội đã hoạt động được hơn 7 năm. Bao lớp học sinh đã tham gia, tập luyện và trưởng thành từ đội chiêng của thầy Khiêm.


Để tiếng chiêng vọng mãi giữa núi rừng

Một bộ chiêng của người Mường gồm có 12 chiếc, mỗi chiêng là một nốt nhạc, đại diện 12 tháng trong năm theo quan niệm của người Mường. Thầy Khiêm cho biết, cái khó nhất của chiêng Mường đó là vì mỗi người phụ trách một nốt nên để tạo nên một bản nhạc cần có sự phối hợp hài hòa giữa cả đội. Chiêng không chỉ là vật vô tri vô giác, cứ đánh là lên thanh lên điệu, người đánh muốn đánh hay cần hiểu về văn hóa, âm sắc, truyền vào đó cả tâm tư tình cảm của mình.

Em Nguyễn Hoàng Loan (lớp 11B) cho biết: “Nhờ thầy Khiêm, em mới biết cồng chiêng có rất nhiều thanh điệu khác nhau, thay đổi cả theo độ nặng nhẹ khi gõ. Em cảm thấy rất thú vị và thêm tự hào về văn hóa quê hương mình”.

“Thầy Khiêm là thầy giáo tận tâm với chúng em, luôn quan tâm, chỉ bảo không chỉ trong lúc tập luyện mà còn trong cuộc sống, học tập. Từ khi được thầy dạy đánh cồng chiêng, em mới thêm yêu và tự hào mỗi khi chơi nhạc cụ dân tộc mình”, em Bằng Anh Thư chia sẻ.

“Người Mường thì có nhiều bài chiêng cổ lắm nhưng để học được thì rất khó vì thế khi mang vào trường học dạy cho học sinh, mình chỉ chọn những bài phổ thông, dễ học nhất như sắc bùa, chào mừng, chúc mừng,... Thường các em mất khoảng 1 tuần để học đánh đúng, nhưng để hay thì sẽ lâu hơn và tùy vào khả năng cảm âm nữa” - thầy Khiêm cho biết thêm.

Thầy Khiêm vẫn thường dạy chiêng cho các em học sinh vào mỗi buổi chiều.

Bạn Bùi Thị Nhung - cựu học sinh của THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Hòa Bình cho biết: “Em là người Mường biết cồng chiêng từ nhỏ, nhưng đúng là phải đến khi xem đội cồng của thầy Khiêm biểu diễn, mình mới cảm nhận rõ rệt tình yêu với văn hóa dân tộc và thực sự muốn học đánh cồng chiêng. Giờ em đã lên Đại học nhưng mỗi khi nhắc đến trường cũ, em vẫn thấy tự hào vô cùng vì ngôi trường rất giàu bản sắc riêng”.

Hiện tại, thầy Khiêm mới chỉ có thể dạy cho đội văn nghệ làm đội “hạt giống” cho trường nhưng thầy cũng chia sẻ về dự định đang ấp ủ đó là mở rộng đội ra hơn nữa, có thể dạy nhiều em học sinh, thậm chí là toàn trường, để em nào cũng có thể đánh được cồng chiêng.

“Muốn lưu giữ, lan tỏa một nền văn hóa, không gì dễ đi vào lòng người hơn âm nhạc. Dù có nói bao nhiêu lời hay ý đẹp cũng sẽ chẳng lay động bằng một tiếng chiêng được cất lên. Khi nào tiếng chiêng ấy còn vang giữa núi rừng, khi đó văn hóa Mường sẽ còn được lưu truyền”, thầy Nguyễn Ngọc Khiêm chia sẻ.

Tác giả: Khánh Như

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP