Bé trai 6 ngày tuổi (Lạng Sơn) chào đời tại nhà, được người thân dùng kéo cắt dây rốn dẫn đến bị nhiễm trùng uốn ván. Bé là con thứ tư trong gia đình dân tộc Dao, nhập viện do sốt, co giật toàn thân, môi tím, cứng hàm. Mẹ của bé trong các lần mang thai trước đều không tiêm phòng uốn ván và tự sinh con tại nhà. Lần này, sau khi sinh, người nhà tự cắt cuống rốn cho bé bằng kéo chưa được vô khuẩn.
Người dùng kéo cắt rốn cho cháu bé có bị xử lý? |
Bé được bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng uốn ván rốn. Các bác sĩ tích cực điều trị nhưng nhiễm trùng nặng, thể trạng bé yếu nên đã không qua khỏi. Đây là bé sơ sinh nhiễm trùng uốn ván đầu tiên tại bệnh viện sau gần 20 năm.
Liệu rằng, người dùng kéo cắt dây rốn cho bé có bị xử lý về tội Vô ý làm chết người theo Điều 128 BLHS?
Nhìn nhận về vụ việc này, luật sư Vũ Quang Bá (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, trong trường hợp này thì việc cháu bé tử vong ngoài mong muốn gia đình. Thực tế các lần sinh trước đều sinh tại nhà và đều được cắt dây rốn như vậy, kết quả không bé nào bị sao. Do trình độ nhận thức, thậm chí phong tục ở đó như vậy rồi việc các lần sinh trước cũng làm như vậy.
Ngoài ra, đây là trường hợp người dân tộc thiểu số, khả năng nhận thức rằng cắt dây rốn như vậy có thể dẫn đến uốn ván là khó nên họ không thể thấy trước được hậu quả hoặc nếu cho rằng họ phải thấy trước hậu quả thì sẽ quá gượng ép. Do đó, việc xử lý hình sự trong vụ việc này là khó.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, uốn ván sơ sinh (dân gian gọi là sài uốn ván) là bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Bệnh do trực khuẩn uốn ván gây ra. Nguyên nhân chủ yếu do dụng cụ cắt cuống rốn không đảm bảo vô khuẩn, nhất là những trẻ được đỡ đẻ tại nhà, làm cho vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể. Một số bé được chăm sóc cuống rốn sau sinh không đảm bảo vệ sinh nên nhiễm khuẩn uốn ván.
Giai đoạn đầu của bệnh, trẻ khóc nhiều, sau đó chúm môi, không bú được, co giật. Bất cứ kích thích nhẹ nào, như âm thanh, ánh sáng, người bệnh đều lên cơn co giật, ngừng thở, đe dọa tính mạng.
34-50% trẻ bị uốn ván sơ sinh tử vong. Một số trường hợp hết bệnh nhưng bị di chứng nặng nề như động kinh, kém phát triển tinh thần, trí tuệ, vận động...
Để phòng uốn ván sơ sinh, bác sĩ khuyến cáo thai phụ tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng uốn ván vào hai tháng cuối thai kỳ. Khi có dấu hiệu sinh, bà bầu cần đến cơ sở y tế gần nhất để được y bác sĩ đỡ đẻ và chăm sóc trẻ đúng cách.
Tác giả: Xuân Hòa
Nguồn tin: Báo Người đưa tin